Hàn Quốc tăng nhập khẩu ‘siêu thực phẩm’ này của Việt Nam: Doanh số tăng 400% trong 1 tháng, thu gần 700 triệu USD từ đầu năm

Admin
Bên cạnh Hàn Quốc, Italy tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam gấp 30 lần trong tháng 10.
Hàn Quốc tăng nhập khẩu ‘siêu thực phẩm’ này của Việt Nam: Doanh số tăng 400% trong 1 tháng, thu gần 700 triệu USD từ đầu năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo thống kê từ Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10/2023 đạt hơn 76 triệu USD, giảm 0,5% so với tháng 10/2022. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022 xuất khẩu cá ngừ trở về mức gần tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường đạt gần 693 triệu USD, giảm 22% so với 10T/2022.

Trong tháng 10, cá ngừ của Việt Nam xuất sang một số thị trường đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể xuất khẩu sang Mỹ và Canada ghi nhận mức tăng 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý xuất khẩu cá ngừ Hàn Quốc, Philippines và Chile ghi nhận mức tăng mạnh nhất với lần lượt là 402%, 116% và 406%. Trong số các thị trường này, Hàn Quốc gây ấn tượng nhất với sự tăng trưởng cao liên tục trong nhiều tháng qua và hiện nay đã lọt vào top 15 thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhiều nhất.

Hàn Quốc tăng nhập khẩu ‘siêu thực phẩm’ này của Việt Nam: Doanh số tăng 400% trong 1 tháng, thu gần 700 triệu USD từ đầu năm - Ảnh 2.

Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu lại tiếp tục sụt giảm trong tháng 10/2023. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 10 chỉ đạt hơn 15 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu sang châu Âu vẫn tăng 1%, đạt hơn 143 triệu USD.

3 thị trường đứng đầu châu Âu là Đức, Hà Lan và Italy đã có nhiều thay đổi trong tháng 10. Xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Hà Lan đã sụt giảm trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng gấp 30 lần trong tháng 10. Với tốc độ tăng trưởng này, Italy đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Bên cạnh đó xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đều tăng so với cùng kỳ, trừ các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh. Xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh tăng mạnh nhất 24% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp cũng tăng 7%. Xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp đang có xu hướng tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm.

Kết thúc năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy). Ngành cá ngừ cũng gia nhập “câu lạc bộ” tỷ đô khi cán mốc 1 tỷ USD, lần đầu tiên trong hơn 20 năm xuất khẩu. Hiện cá ngừ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản, và nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ 3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tính từ năm 2017 – 2022, tỷ trọng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng từ 7,1% năm 2017 lên 9,5% năm 2022. Các loài cá ngừ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn…

Theo dự báo của VASEP, tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 – 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022.