Khi dung lượng pin trở thành một trong những chỉ tiêu trong cuộc chạy đua cạnh tranh sản xuất thiết bị di động thì công nghệ sạc nhanh đóng vai trò rất quan trọng. Theo các chuyên gia, dung lượng pin và sạc nhanh là 2 yếu tố thiết yếu mà người dùng quan tâm khi chọn mua thiết bị di động.
Thương hiệu của Trung Quốc chiếm ưu thế
Người dùng phổ thông ngày nay chủ yếu là giới trẻ, muốn thiết bị có thời lượng pin dài nhưng lại không muốn chờ sạc lâu mà cần sớm có thiết bị đầy pin để chơi game, lên mạng. Nhưng để pin dùng được lâu thì dung lượng phải lớn. Về lý thuyết, dung lượng pin càng lớn, thời gian sạc càng lâu.
Công nghệ sạc siêu nhanh của Xiaomi sạc đầy thỏi pin 4.100 mAh trên điện thoại di động chỉ sau 5 phút. Ảnh: GIZMODO
Cách đây hơn 10 năm, các smartphone có dung lượng pin lớn cũng chỉ hơn 1.000 mAh. Như Samsung Galaxy S ra đời năm 2010 có pin 1.500 mAh, Apple iPhone ra đời năm 2007 có pin 1.400 mAh. Với dung lượng pin đó, người dùng hài lòng với công nghệ sạc bình thường, có công suất 5W tới 10W. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng, muốn pin dùng được cả ngày dài thì dung lượng phải từ hơn 4.000 mAh tới 5.000 mAh. Một số smartphone có pin "khủng" trên 6.000 mAh như Samsung Galaxy M33 5G/M32 (sạc nhanh 25W), Xiaomi Redmi 10/10 Power/10 Prime 2022 (sạc nhanh 18W)… Với dung lượng pin lớn như vậy, nếu dùng sạc bình thường thì thời gian sạc rất lâu. Vì vậy, trong cuộc chạy đua trang bị dung lượng pin lớn, các hãng sản xuất cũng phải ráo riết phát triển công nghệ sạc nhanh. Tham gia cuộc chạy đua sạc nhanh ban đầu chủ yếu là các hãng công nghệ của Trung Quốc như OPPO (với các thương hiệu OPPO, Vivo, Realme, OnePlus cùng thuộc công ty mẹ BBK Electronics) và Xiaomi (với Xiaomi, Redmi, Poco). Trong khi đó, hãng smartphone số 1 thế giới là Samsung và Apple lại thờ ơ trong những năm đầu cuộc đua và chỉ bắt đầu tham gia vài năm gần đây.
Năm 2019, ở dòng cao cấp, Samsung chỉ mới có Galaxy Note 10+ có pin cao nhất 4.300 mAh, sạc nhanh 45W PD3.0; Galaxy Note 10 pin 3.500 mAh, sạc nhanh 25W PD3.0. Năm 2020, dù pin có dung lượng cao nhất là 4.500 mAh nhưng dòng Galaxy Note 20 chỉ hỗ trợ sạc nhanh 25W. Trước đó, dòng Galaxy S20 Series chỉ có phiên bản Ultra mới có pin 5.000 mAh, sạc nhanh 45W. Năm 2021, dòng Galaxy S21 chỉ có phiên bản Ultra có pin 5.000 mAh nhưng lại giảm công suất sạc nhanh còn 25W. Đến năm 2022, trong khi thế giới Android "sục sôi" pin lớn, sạc cực nhanh (hơn 100W) thì Samsung vẫn bình thản cấp cho Galaxy S22 pin 3.700 mAh sạc nhanh 25W. Sạc nhanh nhất lúc này là 45W cho S22+ (4.500 mAh) và S22 Ultra (5.000 mAh). Mới nhất là dòng Galaxy S23 Series ra mắt tháng 2-2023 vẫn giữ công suất sạc nhanh như thế hệ trước đó 1 năm, chỉ khác là thêm cho S23 và S23+ 200 mAh dung lượng pin.
Vô địch chạy chậm trong cuộc đua sạc nhanh là dòng iPhone của nhà Apple. Mãi đến dòng iPhone XS Max (tháng 9-2018), Apple mới bắt đầu trang bị pin từ 3.000 mAh trở lên nhưng vẫn chỉ hỗ trợ sạc nhanh 15W, sạc đầy 50% pin trong 30 phút và duy trì đến tận iPhone 14 của năm 2022. Đến phiên bản cao nhất, mạnh nhất hiện nay là iPhone 14 Pro Max, dung lượng pin cũng chỉ 4.323 mAh, sạc nhanh 20W PD2.0. Đến đầu tháng 3-2023, công suất sạc nhanh cao nhất được hỗ trợ chính thức là 45W với Samsung Galaxy và 20W với Apple iPhone (theo trang Phone Arena, thế hệ iPhone 14 Series có thể hỗ trợ công suất sạc nhanh cao nhất là 30W).
Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu về lĩnh vực sạc nhanh cho smartphone. Nhiều smartphone tầm trung của Trung Quốc đã hỗ trợ sạc nhanh 65W hoặc 80W. Hiện cuộc chiến sạc nhanh chủ yếu diễn ra giữa OPPO và Xiaomi. Cả 2 đều đã vượt qua cột mốc sạc nhanh 100W. Có những dòng smartphone của 2 hãng này đã hỗ trợ sạc nhanh 120W và 150W, giảm thời gian sạc đầy pin còn chưa tới 20 phút.
Dùng AI để tối ưu pin
Cuộc đua về dung lượng pin đã gần đến ngưỡng, vì pin lớn sẽ phá vỡ những nỗ lực thiết kế thiết bị mỏng, nhẹ và thời trang.
Việc kéo dài thời lượng pin giờ đây chủ yếu dựa vào hiệu suất của các chip di động mới với tiến trình ngày càng nhỏ, kết hợp với phần mềm là các hệ điều hành, các ứng dụng. Một giải pháp đang được kỳ vọng là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào thuật toán quản lý pin và sử dụng năng lượng. Các hãng tập trung vào cuộc chiến sạc nhanh với mục tiêu gia tăng trải nghiệm của người dùng và tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, cuộc chiến sạc nhanh ngay từ đầu năm 2023 đã nóng lên từ mốc xuất phát 200W.
Theo Rahul Srinivas trên trang công nghệ SlashGear, Realme GT Neo 5 240W hiện là smartphone thương mại có tốc độ sạc nhanh nhất thị trường (vào thời điểm ra mắt ngày 9-2). Theo nhà sản xuất này, Realme GT Neo 5 240W có thể sạc đầy pin 4.600 mAh trong 10 phút. Trước đó, hồi cuối tháng 10-2022, Xiaomi đã đưa ra Redmi Note 12 Discovery Edition hỗ trợ sạc nhanh 210W (sạc đầy pin 4.300 mAh trong 9 phút).
Trong cuộc đua này, người dùng sẽ hưởng những lợi ích từ các công nghệ sạc nhanh mới ngày càng được cải tiến. Tuy nhiên, tốc độ sạc nhanh phải bảo đảm 3 yêu cầu: an toàn cho người dùng, tuổi thọ của pin và sự an toàn cho thiết bị. Đó là lý do các thương hiệu có tên tuổi vẫn hết sức cẩn thận trong việc đẩy tốc độ sạc pin lên. Nhiều hãng có tên tuổi hiện phải nhờ các tổ chức chuyên nghiệp kiểm chứng cho độ an toàn của công nghệ sạc nhanh mà mình phát triển. Công nghệ AI cũng đang được ứng dụng ngày càng sâu hơn vào thuật toán sạc nhanh.
Thay đổi chất liệu, kết cấu pin để bảo đảm an toàn
Tại Hội nghị Di động Toàn cầu (MWC) vừa diễn ra ở Tây Ban Nha, hãng Xiaomi đã trình diễn công nghệ sạc nhanh với công suất sạc lên đến 300W. Hình ảnh đoạn video do Gizmodo cung cấp cho thấy công nghệ sạc của Xiaomi đã sạc đầy pin chiếc Redmi Note 12 Discovery Edition trong thời gian chỉ 5 phút. Thực tế, thỏi pin của điện thoại Redmi Note 12 Discovery Edition có dung lượng 4.100 mAh nhưng đạt tốc độ từ 0 lên 64% chỉ sau hơn 2 phút. Hiện Xiaomi chưa công bố thời điểm cụ thể đưa công nghệ sạc siêu tốc này vào sản phẩm thương mại. Đại diện Xiaomi cho biết để sử dụng công nghệ sạc siêu nhanh này, hãng sẽ thay đổi lại chất liệu và kết cấu của pin trên điện thoại để bảo đảm an toàn.
B.Hưng