Không hề ảo

Admin
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác văn hóa và thể thao TP Hà Nội năm 2023, chiều 27/12, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói rằng thế giới mạng rất thật chứ không hề ảo, nên nếu không chú ý xây dựng văn hóa trên mạng thì vỡ trận, “rồi một ngày đẹp trời không biết chúng ta đi về đâu”. Ý kiến ấy lập tức nhận được nhiều bình luận từ cộng đồng mạng. Vì sao?

Trước hết, hãy xem tình hình sử dụng Intenet cũng như mạng xã hội ở nước ta hiện nay ra sao. Tại sự kiện kỷ niệm 25 năm khai trương dịch vụ Internet Việt Nam và “Internet Day 2022” diễn ra ngày 7/12/2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu nhưng tới nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia mạnh về viễn thông - Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao. Trên thực tế thì Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, trở thành hạ tầng của nền kinh thế, thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, cả nước có 72,1 triệu người Việt sử dụng Internet trong cuộc sống hàng ngày, với tỷ lệ 73,2% dân số, đứng thứ 13 trên thế giới. Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn làng trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.

Cùng đó, mức độ phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội thay đổi theo từng thế hệ. Trong khi Facebook và Zalo có mức độ ưa thích cao nhất trong thế hệ X, thì thế hệ Z có mức sử dụng mạng quốc tế cao hơn đáng kể, bao gồm Facebook, YouTube và Instagram. Bên cạnh đó TikTok lại được người trẻ hơn quan tâm.

Cùng với chức năng kết nối mọi người thì mạng xã hội đã được xem là nguồn thông tin, phương tiện truyền thông thương hiệu, nền tảng quảng cáo và thậm chí là thị trường của các thương hiệu và người tiêu dùng toàn cầu.

Mạng xã hội có cả hai mặt tốt và xấu. Nếu xây dựng được văn hóa mạng thì nó sẽ trở thành phương tiện, công cụ hữu ích và ngược lại - nó sẽ trở nên độc hại. Ở đây cần xây dựng văn hóa mạng nhưng cũng cần đến chế tài ngăn chặn, xử lý những vi phạm trên mạng, kể cả vi phạm về thuần phong mỹ tục. Trong đà phát triển như vũ bão của công nghệ, của mạng Inernet thì vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đúng khi cho rằng thế giới mạng rất thật chứ không hề ảo và phải chú ý xây dựng văn hóa mạng.

Thực tế cho thấy thời gian qua, người dùng mạng xã hội có cả phần đóng góp khi lan tỏa năng lượng tích cực, chỉ ra những hành vi phải lên án, xử lý nhưng cũng có một số người lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, gây mất đoàn kết.

Về đóng góp, nhớ lại hai năm 2022 và 2021 khi dịch Covid-19 hoành hành, chính “cư dân mạng” đã góp phần đắc lực để cơ quan chức năng truy vết. Các tổ dân phố, khu dân cư cũng lập ra địa chỉ mạng của mình, nắm bắt và thông báo tình hình rất mau lẹ. Mới đây nhất, cũng chính mạng hội đã “thông tin” về vụ một tài xế taxi ở Đà Lạt chửi bới khách; hay là một người bán hàng ăn ở Nha Trang đổ thức ăn thừa vào nồi nấu lại...

Vì thế, nếu phát huy tốt thì mạng xã hội sẽ là một phương thức thông tin vô cùng nhanh nhạy, với mức độ lan tỏa rộng rãi. Không chỉ giúp cộng đồng mạng “giải trí” mà còn tạo sóng dư luận lên án cái xấu; giúp cho chính quyền nắm được thông tin trong địa bàn mình quản lý để xử lý.

Nhưng mặt khác, cũng xuất hiện không ít người, tổ chức lợi dụng thế mạnh của mạng xã hội hành động sai trái, vi phạm pháp luật. Dễ thấy là việc quảng cáo hàng hóa sai sự thật, lừa người dân. Không ít người có chút ít tiếng tăm, được coi là “người của công chúng” tham gia mạng xã hội cũng vì tiền mà bị dẫn dắt, gây bức xúc cộng đồng. Việc “khoe thân” trên mạng đi ngược với thuần phong mỹ tục vẫn không được ngăn chặn. Việc giấu mặt chửi bới tục tĩu cũng không phải hiếm. Nguy hiểm hơn có một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, gây hoang mang, chia rẽ, mất đoàn kết.

Như vậy, vấn đề ở đây không phải là việc ngăn cản người dùng mạng xã hội mà chúng ta cần phải tự vượt lên để biết mình “sẽ đi về đâu” khi mạng xã hội bùng nổ, có nghĩa là ngăn chặn được những hành vi xấu, độc hại và rất quan trọng biết tận dụng thế mạnh của nó. Nếu chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của mạng xã hội thì sẽ thấy sợ, nhưng nếu chủ động làm chủ thì nó lại là “vũ khí sắc bén”.

Vì thế mới nói, cuối cùng vẫn là văn hóa khi tham gia mạng xã hội và chế tài xử lý vi phạm ra sao mà thôi, chứ không phải là sợ hãi, rụt lại.