Không phải Shopee, đây mới là ứng dụng mua sắm "gây nghiện" nhất hiện nay: Toàn được nhận đồ miễn phí!

Admin
Trong khi Shopee vẫn loanh quanh ở Việt Nam và Đông Nam Á, ứng dụng Temu đã âm thâm trở thành nền tảng mua sắm số 1 ở nhiều nơi với chiến lược cho đồ không lấy tiền.

Temu là gì?

Ba lần một ngày, Ashlee Nordquist, 39 tuổi, bác sĩ nhãn khoa ở Fargo, Bắc Dakota, đăng nhập vào ứng dụng mua sắm Temu để cho cá ăn.

Nếu cho cá ăn đủ, bằng cách nhấn vào túi thức ăn nổi trên màn hình điện thoại, Temu sẽ gửi cho cô ấy một sản phẩm miễn phí đã chọn từ trước.

Nhưng Nordquist liên tục hết thức ăn cho cá. Để nhận được nhiều hơn, cô cần giới thiệu một người dùng mới cho ứng dụng. Vì vậy, cô đã giới thiệu Temu với bạn bè và đồng nghiệp thân thiết.

“Chẳng có gì là cho không”, Nordquist nói với ROW. “Giới thiệu là yếu tố bí mật để chiến thắng trong trò chơi”.

Sau khi thực hiện hơn chục lượt giới thiệu và chơi vô số vòng Fishland cũng như các trò chơi khác trên Temu, Nordquist đã giành được rất nhiều quà tặng: một combo nồi lẩu nướng gia đình, một combo nồi lẩu nướng cỡ nhỏ, máy bay không người lái có camera, bộ đồ lưu trữ và máy thái thịt.

Hồi tháng 2, chỉ nhờ việc cho cá ăn, cô đã nhận được một cây đàn guitar miễn phí.

Temu, công ty con của PDD Holdings có trụ sở tại Mỹ, điều hành một trang web tương tự ở Trung Quốc với tên gọi Pinduoduo, đã đứng đầu bảng xếp hạng cửa hàng ứng dụng kể từ khi ra mắt vào tháng 9 năm ngoái.

Trong vòng chưa đầy sáu tháng, ứng dụng đã đạt được 24 triệu lượt tải xuống nhờ quảng cáo rầm rộ, sản phẩm giá rẻ và các chiến dịch giới thiệu gây nghiện dưới dạng trò chơi di động.

Vào tháng 2, Temu thông báo cho các nhà cung cấp về việc ra mắt tại Canada. Mục tiêu của Temu là đưa chuỗi cung ứng của Trung Quốc ra thế giới, bắt đầu với Mỹ.

Pinduoduo, được thành lập vào năm 2015, cũng sử dụng chiến lược tương tự tại thị trường quê nhà Trung Quốc – định giá thấp nhất và trò chơi hóa trải nghiệm mua sắm – để trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất ở quốc gia này.

Trong một trò chơi, người dùng trồng cây ăn quả ảo cùng với bạn bè để kiếm được những hộp quả thật. Trong trò khác, họ quay vòng quay để giành được tiền mặt sau khi đưa người dùng mới vào ứng dụng.

Trang web cũng giới thiệu chiến dịch “cho tôi nhận phần thưởng”, trong đó người dùng kiếm được sản phẩm miễn phí từ việc người khác nhấp vào liên kết Pinduoduo.

Mặc dù các chiến thuật này giúp Pinduoduo tăng trưởng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu sau đó - thậm chí làm lu mờ cả Alibaba vào năm 2020 — nhưng chúng cũng mang đến những tranh cãi, làm dấy lên lo ngại về các rủi ro pháp lý.

Người dùng internet Trung Quốc đã phàn nàn về việc bị bạn bè và gia đình làm phiền khi liên tục mời nhấp vào liên kết giới thiệu.

Những người khác đã cáo buộc Pinduoduo lừa họ bằng cách khiến cho các trò chơi trông dễ dàng hơn nhiều so với thực tế.

Năm 2021, một luật sư kiện Pinduoduo sau khi anh ta vẫn còn cách 0,9% để giành được giải thưởng trên ứng dụng. Pinduoduo sau đó giải thích rõ tỷ lệ phần trăm cần thiết nếu được hiển thị đầy đủ là 0,9996427%.

Tòa án đã yêu cầu công ty trả 400 nhân dân tệ Trung Quốc (59 USD) để bồi thường cho việc vi phạm quyền được biết của người tiêu dùng.

Không phải Shopee, đây mới là ứng dụng mua sắm gây nghiện nhất hiện nay: Toàn được nhận đồ miễn phí! - Ảnh 1.

Vườn cây ảo trên Temu

Ứng dụng gây nghiện

Bất chấp những tranh cãi, một số công ty thương mại điện tử khác của Trung Quốc đã áp dụng trải nghiệm mua sắm vào trò chơi điện tử.

Theo chân Pinduoduo, gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, nền tảng mua sắm Taobao của Alibaba và ứng dụng giao hàng Meituan đều đã giới thiệu trang trại trái cây ảo của riêng mình. Ở nước ngoài, nền tảng thời trang nhanh Shein cũng cho phép người dùng kiếm điểm thông qua các trò chơi và lượt giới thiệu.

Cùng với chiến lược nói trên, Temu đã giới thiệu mô hình “từ nhà máy đến người tiêu dùng” để giữ giá sản phẩm thấp.

Thay vì hoạt động như một nền tảng thương mại điện tử của bên thứ ba như Amazon, Temu đã áp dụng mô hình chuỗi cung ứng tương tự như của Shein.

Công ty lấy sản phẩm từ các nhà cung cấp Trung Quốc, sau đó bán chúng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ. Temu xử lý tất cả các hoạt động vận chuyển quốc tế, sau đó thanh toán cho nhà cung cấp sau khi người tiêu dùng nhận được hàng.

Nhà cung cấp Temu Awan Yang, người quản lý một nhà máy sản xuất túi ở công xưởng phía nam Quảng Châu, cho biết ông bắt đầu làm việc với Temu ngay sau khi ứng dụng ra mắt vì ông tin rằng Pinduoduo sẽ đầu tư mạnh ở nước ngoài.

Yang cho hay, từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023, nhà máy đã bán khoảng 3.300 chiếc túi xách nữ thông qua Temu, với tỷ suất lợi nhuận từ 15% đến 25%, đồng thời tiết lộ rằng Temu sẽ bán những chiếc túi này với giá gấp 2,5 đến 3 lần giá gốc.

Ashley Dudarenok, người sáng lập công ty tiếp thị kỹ thuật số Alarice và ChoZan, nhận định: “Giống như Pinduoduo từng thành công ở thị trường Trung Quốc vốn là nơi thống trị của Alibaba và JD.com, Temu có thể khẳng định mình như một siêu thị giá rẻ ở Mỹ”.

Xét cho cùng, mặc dù các trò chơi của Temu rất thú vị, nhưng mục tiêu giành được phần thưởng đòi hỏi phải rất nhiều thời gian và công sức.

Ở Bắc Dakota, một số bạn bè của Nordquist đã trở thành những người dùng Temu cuồng nhiệt. Họ thậm chí còn tạo một nhóm trò chuyện để trao đổi mẹo chơi game.

Trong khi cho cá ăn miễn phí, Nordquist cũng tự mua nhiều món đồ: dụng cụ câu cá, hộp đựng đồ, máy giặt di động, một số lưỡi câu, một gói bọt biển, bàn ủi điện tử, máy hút chân không và các đồ gia dụng khác - khiến cô phải trả tổng cộng 450 USD.

Nordquist đã từng mua những sản phẩm này từ Amazon hoặc Walmart, nhưng giờ thích Temu hơn vì giá thấp. Cô nói rằng chúng có giá xuống thấp đôi khi bằng 1/8 so với giá siêu thị địa phương.

“Khi mua sắm ở những nơi khác Temu, cảm giác như bị móc túi vậy”, người phụ nữ này so sánh.