Làm sao để chặn các cuộc gọi như đổ rác vào tai?

Admin
Tiếp tục chủ đề Ức lắm rồi, tôi không muốn bị tra tấn nữa! phản ánh tình trạng nhiều người vừa cay, vừa cú, vừa ức, vừa tức, vừa bực khi chịu đựng cuộc gọi tiếp thị, khuyến mãi, mời chào dịch vụ…, bên cạnh sự bất bình, nhiều bạn đọc đã nêu ý tưởng khóa miệng những lời mời chào dai dẳng, bất lịch sự.

Từ hơn 2 năm trước, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã chính thức có hiệu lực. Cùng thời điểm đó, Cục An toàn thông tin công bố tổng đài 5656 để người dân phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Có thể nói, nghị định là thanh bảo kiếm, số tổng đài là tướng trấn giữ thành trì bảo vệ người dân khỏi những phiền toái trước những cuộc gọi không mong muốn. Tuy nhiên, dường như hiệu quả từ hai công cụ trên chưa như mong đợi. Người dùng điện thoại vẫn bị tấn công bởi những cuộc gọi mời chào mất thời gian và ảnh hưởng xấu đến tinh thần, cuộc sống.

Nhiều bạn đọc nhận xét sở dĩ các quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống là vì có sự nhân nhượng, thậm chí tiếp tay từ nhà mạng. Một vài đầu số được chỉ đích danh như 028, 024, 096…

Làm sao để chặn các cuộc gọi như đổ rác vào tai? - Ảnh 1.

Cuộc gọi không mong muốn làm mất thời gian và ảnh hưởng xấu đến tinh thần, cuộc sống - Ảnh minh họa

Bạn đọc khẳng định bị cuộc gọi làm phiền là do thông tin của họ bị lộ, bị mua bán. Trong đó, bạn đọc Phong đặt nghi vấn: "Mua bán thông tin người dùng lợi nhuận tốt thế, sao mà cấm đây? Chỉ cần 1 file dữ liệu sẵn có rồi bán cho bao nhiêu khách hàng chẳng được" .

Bạn đọc Nguyễn Văn Thế chung quan điểm: "Vấn đề lớn nhất ở đây là nhân viên nhà mạng bán thông tin khách hàng. Số điện thoại là bảo mật nhưng khi gọi tới nói đúng tên, đúng địa chỉ luôn, hỏi ngược lại tại sao biết số mình thì tắt máy ngang…"

Nêu giải pháp, bạn đọc Hai Xe Lôi chỉ cách "dĩ độc trị độc" khiến các nhân viên tiếp thị nản lòng: "Khi biết đó là các cuộc gọi lừa đảo hay quảng cáo, tôi giả vờ nghe không rõ cứ alo, alo, alo nói rõ hơn chút đi, nói gì mà không nghe rõ gì hết, alo, alo nói lớn hơn coi.."

Bạn đọc Kim Thanh cũng có các ứng xử tương tự: "… Họ gọi đến mình thì cứ để nói cho đã sau đó mình đáp: Bất động sản chào bán lời quá sao không kêu người thân em mua đi… Thế là hết gọi tôi".

Bạn đọc Tâm "hòa nhã" hơn trong bày kế: "Mình có 1 lời khuyên như này, các bạn nên mỉm cười rồi ấn nghe để đó, khi nói xong mình bắt đầu mắng rồi chặn số. Đừng tạo cho mình sự ức chế, hãy im cho họ ức chế, sim mình cũng chặn khoảng 50-60 số, rất hữu ích đó"

Dẫn kinh nghiệm từ nước ngoài, bạn đọc Kieu cho rằng ngoài tổng đài chung, mỗi nhà mạng phải có kênh thông tin phản ánh số điện thoại làm phiền, nếu có từ 3 người phản ảnh sẽ khoá thuê bao đó.

Phân tích thêm nguyên nhân, bạn đọc cho rằng việc quản lý sim hiện "khó cho người cần và dễ cho người xấu". Bạn đọc Bùi Văn Tem đặt câu hỏi: "Mỗi năm nhà mạng bán biết bao nhiêu sim, sim mạng tốc độ cao bán tràn lan, làm sao mà không có sim rác?".

Bạn đọc Hung Ngo đặt vấn đề quy định xử phạt đã có nhưng chưa thấy cá nhân, tổ chức nào bị xử phạt vì làm phiền người tiêu dùng. "Chỉ cần cơ quan chức năng áp dụng các quy định và xử phạt nghiêm, nhà mạng có trách nhiệm với khách hàng thì tự nhiên "rác" sẽ không vào tai người dân nữa".

Đồng tình, bạn đọc Võ Văn Cui đề nghị: "Đã bắt buộc đăng ký chính chủ rồi, nhà mạng nào để sim rác thì phạt thật nặng nhà mạng đó xem có chịu làm hết trách nhiệm không?"

Bạn đọc Đức An kêu gọi: "Cộng động cần phải chung tay tẩy chay kiểu kinh doanh này. Việc đầu tiên sau khi nghe điện thoại là chặn ngay, kế đến nhắn tin cho tổng đài theo các cú pháp có sẵn của nhà mạng..."

Triệt tận gốc để không còn "tác dụng phụ"

Những "đơn thuốc dĩ độc trị độc" mà bạn đọc bày thì trong một số trường hợp không phải không có "tác dụng phụ". Bạn đọc Nguyễn Thị Minh Thúy kể một tình huống được mời đi du lịch và cam kết cho vay tiền. Sau khi chị không tin và "truy" đầu dây bên kia thì nhận lại là tiếng chửi thề và tấn công bằng những ngôn ngữ nặng nề hơn gấp nhiều lần.

Bạn đọc Chí Nhân bức xúc: "Tôi rất bực mình với nhà mạng, đã từng gọi lên tổng đài yêu cầu không nhận quảng cáo tiếp thị gì cả nhưng chỉ 1 thời gian ngắn thôi là lại nhận tin tiếp thị từ chính nhà mạng, lại yêu cầu mình nhắn tin từ chối nữa chứ. Theo tôi, mọi người đồng lòng tẩy chay 1 mạng nào đó xem các mạng còn lại dám làm ăn kiểu đó nữa không?"

Để khỏi "điếng người" vì những tình huống trên, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến dịch dẹp ngay tình trạng gọi rác, nhắn rác, trong đó có việc thanh tra toàn bộ nhà mạng.