Những chiếc xe điện được đề cập đến trong vụ việc được cho là xe đô thị nhãn hiệu Cevo - một thương hiệu xe điện của Hàn Quốc nhưng đang được sản xuất cả ở Trung Quốc.
Ô tô điện này từng được giới thiệu tại triển lãm Quốc tế lần thứ 2 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2021 từ 15/12 đến 17/12/2021 với mục đích là tìm đối tác để sản xuất, phân phối tại thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tiếp đó, đến tháng 3/2022, Công ty Cammsys Việt Nam tiếp tục mang 2 mẫu ô tô điện mini - 2 chỗ ngồi tới Triển lãm sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Hàn Quốc.
Mẫu xe cùng loại với phương tiện Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK nhập về qua cảng Hải Phòng vào tháng 10/2023.
Thực tế, ô tô điện Cevo đã bán thương mại tại Hàn Quốc từ năm 2020. Cevo là một công ty con của hãng công nghệ chuyên cung cấp camera cho Sam Sung.
Tại thời điểm lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt cuối 2021, Cevo đang được bán ở Hàn Quốc với giá khoảng 300 triệu đồng (đã đổi từ tiền won sang tiền Việt), nhưng người dân mua ô tô điện sẽ được chính phủ trợ giá, giúp giá xe giảm còn khoảng 150 triệu đồng. Tại Việt Nam, đã có nhiều tin đồn về mức giá hấp dẫn của mẫu xe điện này nếu được nhập khẩu và phân phối, tuy nhiên chưa có thông tin chính thống nào được xác nhận.
Cevo hiện là mẫu ô tô điện có kích thước bé nhất hiện nay.
Mẫu minicar này sở hữu kích thước dài 2.430 mm, rộng 1.425 mm và cao 1.550 mm, Cevo nhỏ hơn Wuling Hongguang Mini EV (chiều dài 2.917 mm, rộng 1.493 mm, cao 1.621 mm). Trọng lượng của xe dưới 800 kg và tầm hoạt động là 80 km sau khi sạc đầy.
Đặc biệt, xe không cần trạm sạc riêng mà dùng nguồn điện dân dụng với thời gian sạc đầy khoảng 3 giờ đồng hồ. Với kích thước có thể nói là nhỏ nhất trong số các loại xe điện mini đang lưu hành trên thị trường nên Cevo chỉ có khoang hành lý khoảng 40 lít.
Ngay tại thời điểm lần đầu được giới thiệu tại thị trường Việt Nam, mẫu xe này đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào chính thức nhập khẩu và phân phối rộng rãi mẫu xe này.
Nếu được phân phối tại Việt Nam, Cevo sẽ là đối thủ trực tiếp của Wuling Hongguang Mini EV và VinFast VF 3.
Theo nội dung vụ việc, tháng 10/2023, Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK (trụ sở tại đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu cảng Hải Phòng 4 chiếc xe ô tô điện xuất xứ Trung Quốc.
Hồ sơ khai báo, phương tiện nhập khẩu là xe ô tô điện 4 chỗ chở người, không tham gia giao thông, đơn giá khai báo là 1.050 USD/chiếc (khoảng 24.507.000 đồng/chiếc). Bên xuất khẩu là Công ty Jining Trung Quốc. Phương tiện nhập khẩu dùng cho mục đích nghiên cứu phát triển, không tham gia giao thông nên được miễn kiểm tra kỹ thuật theo văn bản hướng dẫn của đăng kiểm.
Tổng tiền thuế theo khai báo (bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) cho 4 xe theo khai báo là 87.893.162 đồng (khoảng 21.973.290 đồng/chiếc).
Tuy nhiên, qua tra cứu cơ sở dữ liệu giá của ngành, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết đơn giá khai báo của doanh nghiệp thấp hơn nhiều lần so với mức giá thấp nhất của mặt hàng tương tự (xe ô tô điện chạy pin, 4 chỗ ngồi, xuất xứ Trung Quốc, sản xuất năm 2023, mới 100% đơn giá là 7.624 USD/chiếc).
Ngày 4/10/2023, Chi cục Hải quan khu vực II (Cục Hải quan Hải Phòng) nhận được công văn của doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại mức giá cơ quan hải quan xác định, đưa một số đường link để cơ quan hải quan tham khảo. Qua kiểm tra, các đường link này không tra cứu được, các thông tin khác do doanh nghiệp cung cấp không đủ cơ sở để xem xét lại mức giá theo đề nghị của doanh nghiệp.
Căn cứ quy định pháp luật liên quan việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan khu vực II (Cục Hải quan Hải Phòng) đã xác định lại đơn giá tính thuế là 7.624 USD/chiếc và chỉ thị mức giá do cơ quan Hải quan xác định trên Hệ thống thông quan tập trung, đồng thời ban hành văn bản thông báo gửi doanh nghiệp.
Như vậy, mức giá ấn định của hải quan (7.624 USD/chiếc) cao hơn 7 lần giá do doanh nghiệp nhập khẩu khai báo (1.050 USD/chiếc).