Một loại hạt từ Việt Nam đang ồ ạt tràn vào Mexico với giá đắt đỏ: Chi khủng gom hàng trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới

Admin
Giá xuất khẩu mặt hàng này đã lập kỷ lục trong tháng 9, với mức tăng 7 tháng liên tiếp.
Một loại hạt từ Việt Nam đang ồ ạt tràn vào Mexico với giá đắt đỏ: Chi khủng gom hàng trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục 50,97 nghìn tấn, trị giá 168,68 triệu USD, giảm 39,8% về lượng và giảm 34,7% về trị giá so với tháng 8/2023, so với tháng 9/2022 giảm 47,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 3,13 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng, nhưng tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng giá bán lại theo chiều hướng ngược lại. Tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới 3.310 USD/ tấn, tăng 8,4% so với tháng 8/2023 và tăng 36,1% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.497 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một loại hạt từ Việt Nam đang ồ ạt tràn vào Mexico với giá đắt đỏ: Chi khủng gom hàng trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới - Ảnh 2.

Tháng 9/2023 so với tháng 9/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm mạnh. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Bỉ giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Ý, Hoa Kỳ, Algeria, Hàn Quốc tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Mexico là một trong những quốc gia ghi nhận tăng mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch. Cụ thể, trong tháng 9, xuất khẩu cà phê sang Mexico đạt 3.051 tấn với trị giá hơn 7,97 triệu USD, tăng 85,7% về lượng và tăng mạnh 141,2% về trị giá so với tháng 9/2022.

Tính đến hết quý 3, thị trường Bắc Mỹ này đã chi ra 77,46 triệu USD để nhập khẩu 32.558 tấn cà phê, tăng 48,6% về sản lượng và tăng 73,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Mexico là 2.379 USD/tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Chính nhờ giá xuất khẩu tăng mà kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng cao đáng kể.

Đối với Việt Nam, Mexico là một thị trường lớn tiềm năng cần được khai phá. Với tình hình thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh COVID-19,... giá nhân công và hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tăng nên xu hướng của các công ty nhập khẩu trên thế giới, trong đó có Mexico, đang có định hướng tìm nhà cung cấp khác, và Việt Nam cũng trong số đó.

Mặt khác, hiện nay hiệp định CPTPP đã đi vào thực hiện được 3 năm nên có nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam lại có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới. Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Một loại hạt từ Việt Nam đang ồ ạt tràn vào Mexico với giá đắt đỏ: Chi khủng gom hàng trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới - Ảnh 3.

Một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Mexico như thủy sản và nông sản chế biến; cà phê; hàng tiêu dùng; hàng điện tử; linh kiện và phụ tùng ô tô.

Trong đó, Mexico là đất nước tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới, trung bình một năm một người dân Mexico tiêu thụ 1,7kg/người. 84% nhà dân tiêu thụ sản phẩm cà phê hòa tan. Vì vậy, đây là mặt hàng mà các công ty của Việt Nam tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường Mexico. Ngoài ra, mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, con số kỳ vọng này đưa ra trong bối cảnh giá Robusta nói chung và giá cà phê nội địa Việt Nam đang ở vùng giá cao kỷ lục.

Theo tính lịch sử chu kỳ, đến tháng 11, lượng cà phê xuất khẩu từ nước ta mới có thể cải thiện rõ ràng khi hoạt động thu hoạch diễn ra tập trung và nguồn cung mới trở nên sẵn sàng. Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mức 4 tỷ USD trong năm thứ hai liên tiếp nhưng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn.