Một loại quả của Việt Nam “cháy hàng” ở láng giềng, 1 cửa khẩu nhập hàng chục container/ngày, tăng 3.000%
Tại một nhà máy chế biến sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk, nhân viên dán nhãn sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc, tháng 9/2023. Ảnh: Xinhua
Ông Nong Liqing, tổng giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở ở thành phố Bằng Tường, cho biết, đến tháng 12/2023, công ty đã nhập hơn 1.600 container sầu riêng. Công ty này đã nhanh chóng điều phối và vận chuyển sầu riêng cho các khách hàng ở tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang.
“Năm nay, ngoài hàng từ Thái Lan, chúng tôi bắt đầu nhập sầu riêng từ Việt Nam”, ông Nong cho biết.
Vì sao Trung Quốc nhập khẩu nhiều sầu riêng của Việt Nam?
Trên thực tế, nhu cầu trái cây nhiệt đới ở Trung Quốc là rất lớn. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu tới 825.000 tấn sầu riêng. Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, sầu riêng là loại trái cây nhập khẩu đứng đầu ở quốc gia này, với giá trị là 4,03 tỷ USD.
Năm 2022, sầu riêng của Việt Nam trở nên nổi tiếng với mùa thu hoạch kéo dài và giá thấp hơn, nên đã được tiếp cận thị trường Trung Quốc theo khuôn khổ của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Việt Nam.
Ông Wang Zhengbo, Chủ tịch của một công ty trái cây có trụ sở ở Quảng Tây, cho biết, công ty của ông đã ký hợp đồng với các trang trại ở Việt Nam có diện tích gần 3.000 ha từ năm 2022.
Ông Wang chia sẻ thêm: “Chúng tôi có kế hoạch về việc nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương với khoảng 60.000 tấn sầu riêng của Việt Nam trong năm nay để phục vụ nhu cầu thị trường Trung Quốc”.
Các thương nhân từ Việt Nam bán sầu riêng trong Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 được tổ chức ở Nam Ninh (Trung Quốc), ngày 18/9/2023. Ảnh: Xinhua
Bà Fu Jing, một thương nhân ở tỉnh Quý Châu đã buôn bán trái cây nhập khẩu hơn 10 năm, cho hay trong thời gian gần đây, sầu riêng đến từ Việt Nam trở thành lựa chọn mới của bà. “ Sầu riêng của Thái Lan thường chín vào nửa đầu năm, trong khi đó sầu riêng Việt Nam vào nửa cuối năm đã giúp lấp đầy khoảng trống trên thị trường ”, bà Fu cho biết.
Giống như bà Fu, thương nhân Fang Chuangquan buôn bán trái cây ở Bằng Tường cho biết bắt đầu nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam từ năm 2022. Loại trái cây này bán rất chạy. Thương nhân có thể bán trực tiếp và trực tuyến, đồng thời đưa hàng đi khắp cả nước.
Ông Đồng Quang Hải, một doanh nhân trồng sầu riêng hàng chục năm ở Việt Nam, cho biết sầu riêng là một trong những loại trái cây phổ biến nhất ở Trung Quốc, đồng thời có nhu cầu tiêu dùng cao và tiềm năng thị trường rất lớn. Hơn nữa, cửa khẩu Hữu Nghị hiện là nơi thuận tiện nhất cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đây cũng là nơi xuất khẩu lớn nhất trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc, với gần 300 xe tải vận chuyển thanh long, mít, sầu riêng... làm thủ tục hải quan mỗi ngày vào lúc cao điểm.
Theo dữ liệu từ Hải quan Nam Ninh của Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2023, giá trị trái cây nhập khẩu từ Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị là 11,71 tỷ NDT, tăng 637,9%. Trong đó, riêng giá trị nhập khẩu sầu riêng qua cửa khẩu này đạt 11,19 tỷ NDT (tương đương 1,57 tỷ USD), tăng hơn 3.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Hữu Nghị, Hà Khẩu, nơi giáp biên giới với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, cũng là nơi nhập khẩu sầu riêng nổi tiếng ở Trung Quốc.
Bà Yao Qi, một nữ cảnh sát làm việc tại trạm kiểm tra biên giới xuất nhập cảnh Hà Khẩu, cho hay lượng nhập khẩu sầu riêng tăng đáng kể trong thời gian qua đã thu hút nhiều người đến đây để thành lập chi nhánh hoặc văn phòng ở quận nơi có cửa khẩu.
Đặc biệt, Trung Quốc đã tiến hành thiết lập luồng xanh để thông quan nhanh chóng những sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm, tối ưu hóa quy trình thông quan. Chính vì vậy các loại trái cây của Việt Nam cũng được nhập khẩu một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Bài viết tham khảo nguồn: Xinhua, Baidu