Những năm gần đây, mua hàng trực tuyến là hình thức ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng sự bất cẩn hoặc chưa hiểu biết của một bộ phận người dùng Internet, những kẻ lừa đảo đã trục lợi được số tiền không nhỏ.
Theo 8World, mới đây, tại Hong Kong (Trung Quốc), một cửa hàng bán thịt sạch online đã bị phanh phui việc lừa đảo ít nhất 1,14 triệu đôla Hong Kong (tương đương 3,5 tỷ đồng) chỉ trong vòng 2 tháng.
Với quảng cáo bán thịt sạch, tươi ngon lấy trực tiếp từ nông trại, cửa hàng này nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng. Ngoài ra, bài đăng của cửa hàng cho biết khách hàng có thể chọn phương thức nhận hàng rồi mới thanh toán để tăng mức độ uy tín.
Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, cảnh sát Hong Kong đã nhận được ít nhất 10 trình báo liên quan đến việc tiền trong tài khoản ngân hàng đột nhiên “bốc hơi” trong khi họ không hề thực hiện bất cứ lệnh chuyển tiền nào.
Tổng cộng, các nạn nhân đã mất hơn 1,14 triệu đôla Hong Kong. Sau khi rà soát, những người này mới phát hiện ra rằng họ mất tiền sau thời điểm mua thịt trực tuyến của cửa hàng nọ.
Sau đó, cảnh sát địa phương đã vào cuộc để điều tra cửa hàng trên và phát hiện ra rằng bán thịt sạch trực tuyến chỉ là chiêu trò để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người mua.
Những kẻ lừa đảo đã lừa khách hàng tải ứng dụng giả mạo để thuận tiện đặt hàng. Trong ứng dụng này có chứa trang đăng nhập vào tài khoản ngân hàng. Khi khách hàng nhập thông tin, mật khẩu và mã PIN, chúng sẽ lưu lại để sau đó đăng nhập vào tài khoản của họ và chuyển tiền sang tài khoản của mình.
Trên thực tế, hình thức lừa đảo này không quá mới mẻ nhưng vẫn có không ít người vì chưa biết hoặc mất cảnh giác đã tự để lộ thông tin quan trọng liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Tháng trước, một người đàn ông Singapore 74 tuổi đã bị mất 70.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng) sau khi đặt mua vịt quay Bắc Kinh giá hời trên Facebook. Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là hướng dẫn cài đặt ứng dụng của bên thứ ba và yêu cầu thanh toán số tiền 5 USD dưới dạng tiền đặt cọc. Không nghi ngờ vì đó chỉ là một số tiền nhỏ, cụ ông đã làm theo hướng dẫn và cuối cùng mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời của mình.
Theo cơ quan chức năng, các ứng dụng giả mạo thường có đặc điểm chung là yêu cầu rất nhiều quyền, bao gồm quyền truy cập dữ liệu, quyền truy cập vào kho ảnh hay thậm chí là quyền trợ năng để điều khiến điện thoại từ xa.
Để phòng tránh rủi ro mất tiền, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo mọi người chỉ cài đặt ứng dụng bằng cách truy cập trực tiếp vào CH Play (đối với điện thoại Android) hoặc Apple Store (đối với iPhone) và tìm phần mềm tương ứng trên đó chứ tuyệt đối không bấm vào những đường link do người lạ hay bất cứ đơn vị nào khác gửi.
Bên cạnh đó, nếu không chắc chắn về tính xác thực của ứng dụng, người dùng có thể tìm hiểu thêm thông tin trên các kênh chính thức của công ty hay tổ chức đó như tài khoản mạng xã hội hay số điện thoại.