Nắng nóng như thiêu như đốt, tiêu thụ điện ở TP HCM liên tục phá kỷ lục

Admin
(NLĐO) - Lần thứ 4 trong năm 2023, TP HCM phá kỷ lục về tiêu thụ điện và bỏ xa mức cao nhất năm 2022 tới gần 2,8 triệu kWh

Theo thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện TP HCM cho biết ngày 6-5 đã trở thành ngày thứ 2 liên tiếp sản lượng điện tiêu thụ của TP HCM thiết lập đỉnh mới với 94.802.677 kWh/ngày, vượt qua đỉnh mới thiết lập 1 ngày trước đó (93,434 triệu kWh/ngày) gần 400.000 kWh. Đây là lần thứ 4, TP HCM phá kỷ lục về tiêu thụ trong năm 2023. Mức kỷ lục mới này cao hơn đỉnh của năm 2022 gần 2,8 triệu kWh.

Nắng nóng như thiêu như đốt, tiêu thụ điện ở TP HCM liên tục phá kỷ lục - Ảnh 1.

Lần thứ 4 trong năm 2023 TP HCM phá kỷ lục về tiêu thụ điện và bỏ xa mức cao nhất năm 2022 tới gần 2,8 triệu kWh. Ảnh: Thanh Nhân

Trước đó, ngày 5-5, lượng điện năng tiêu thụ tại TP HCM lập đỉnh cao thứ 3 trong năm khi đạt 94.434.751 kWh, tăng 868.606 kWh so với đỉnh trước đó, lập vào ngày 25-4-2023.

Cơ quan khí tượng nói gì về nắng nóng kỷ lục hơn 44 độ C vừa thiết lập?

Nắng nóng như thiêu như đốt, nhiều nơi trên 42 độ C

NÓNG: "Chốt" thời gian kết thúc nắng nóng tại Nam Bộ

Kết quả thực nghiệm trên mô hình đối chứng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy khi nhiệt độ bên ngoài 40 độ C, cài đặt nhiệt độ máy lạnh/điều hòa phòng ở mức 20 độ C, tiêu thụ điện sau 8 tiếng của máy lạnh 1HP là 10,72 kWh. 

Con số này gấp 3 lần so với ngày có nhiệt độ bên ngoài 35 độ C và người dùng cài đặt nhiệt độ phòng ở 26 độ C như các khuyến cáo tiết kiệm điện (điểm B - 3,55 kWh). 

Nếu so với những ngày có nền nhiệt trung bình 30 độ C thì tiêu thụ điện trong những ngày 40 độ C của máy lạnh gấp 4-5 lần (chỉ tính riêng cho trường hợp cùng số giờ sử dụng). Điều này lý giải vì sao tiền điện thường tăng mạnh vào tháng 4, tháng 5 hằng năm.

Thế nên, trong các tháng 4-5, đối với khu vực phía Nam, nếu người dân không chịu được nóng, buộc phải dùng máy lạnh thì cũng nên tự xác định là sẽ phải trả tiền điện nhiều, thậm chí rất nhiều.