Nâng tỉ lệ sở hữu lên 68%, KIDO muốn biến Thọ Phát thành "bếp ăn quốc dân"

Admin
NLĐO)- Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cho biết Thọ Phát sẽ là mảnh ghép quan trọng của KIDO trong chiến lược mở rộng ngành bánh.

Tập đoàn KIDO (KDC) vừa chính thức nâng tỉ lệ sở hữu tại CTCP Thọ Phát Quốc Tế (Thọ Phát) lên 68% vốn điều lệ.

Ngày 10-10, ông Trần Lệ Nguyên cho biết sau khi mua lại Thọ Phát Quốc Tế, phần lớn nhân sự của công ty vẫn được duy trì. Ông Trần Quốc Nguyên - Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc KIDO - sẽ trở thành Tổng giám đốc Thọ Phát Quốc Tế. KIDO cũng đưa thêm một Phó chủ tịch và lãnh đạo kỹ thuật vào công ty.

KIDO đặt mục tiêu Thọ Phát sẽ phát triển 1.000 đại lý, 1.200 cửa hàng Mini Bao, 100.000 điểm bán lẻ và 100% cửa hàng MT (Modern Trade - cửa hàng hiện đại) trên toàn quốc.

Nâng tỉ lệ sở hữu lên 68%, KIDO muốn biến Thọ Phát thành bếp ăn quốc dân - Ảnh 1.

Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ chiến lược phát triển Thọ Phát

KIDO đồng thời vạch rõ định hướng chiến lược dành cho Thọ Phát trong vòng 5 năm tới. Theo đó, sẽ tập trung tái định vị và xây dựng thương hiệu Thọ Phát và các nhãn hiệu. Song song đó, nghiên cứu và thực hiện chiến lược đa dạng hóa về ngành hàng, phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng từ ăn no, ăn thưởng thức, đến ăn dặm, ăn kèm sản phẩm, từ khu vực thành thị đến nông thôn.

Tập đoàn KIDO sẽ sở hữu 70% cổ phần bánh bao Thọ Phát

Về dài hạn, xây dựng thương hiệu Thọ Phát trở thành "bếp ăn quốc dân" tại Việt Nam. Bếp ăn này không chỉ bao gồm các loại bánh bao, mà còn phát triển thêm các sản phẩm tiện lợi như rau củ quả, thịt kho, cá kho, bò kho… đóng gói và mở rộng sang lĩnh vực gia vị.

"KIDO hiện có 450.000 điểm bán ngành hàng thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bánh ngành hàng lạnh, có cơ sở hạ tầng, nhà máy sản xuất hiện đại, hệ thống logistics rộng khắp, năng lực quản trị hiệu quả. 

Chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể tích hợp các lợi thế vào Thọ Phát để đưa doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và vượt trội trong thời gian tới. Đồng thời, với sự am hiểu khẩu vị, xu hướng thưởng thức, KIDO sẽ đảm nhận kỹ thuật phát triển sản phẩm, đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đưa Thọ Phát trở thành "bếp ăn quốc dân" của người Việt và mở rộng thị trường xuất khẩu sang ít nhất 30 quốc gia trên thế giới" – ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ thêm.

Nâng tỉ lệ sở hữu lên 68%, KIDO muốn biến Thọ Phát thành bếp ăn quốc dân - Ảnh 3.

Sản xuất bánh bao trong nhà máy Thọ Phát ở KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP HCM

Thành lập từ năm 1987, sau hơn 35 năm phát triển, Thọ Phát hiện có hơn 6.000 điểm bán hàng tại Việt Nam với các dòng sản phẩm: bánh bao; bánh giò – xôi; bánh nướng – bánh chiên (bánh Dorayaki); dimsum...

Sở hữu diện tích hơn 22.000m2, nhà máy sản xuất Thọ Phát tại TP HCM được trang bị công nghệ hiện đại với rất nhiều thiết bị sản xuất tự động, được kiểm soát chặt chẽ theo chương trình quản lý chất lượng sản phẩm HACCP Codex, ISO 22000 và ISO 45001, đạt công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm. 

Ngoại trừ 2 năm dịch, trung bình Thọ Phát tăng trưởng khoảng 10%-12%/năm. Trong năm 2023, mặc dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng Thọ Phát vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan, dự kiến doanh thu cả năm đạt khoảng 1.000 - 1.100 tỉ đồng.  

Ông Vũ Phước Thọ, nhà sáng lập Thương hiệu Thọ Phát, cho hay Thọ Phát là "đứa con tinh thần" mà ông và các cộng sự đã tâm huyết xây dựng, chứng kiến sự trưởng thành và vươn mình mạnh mẽ trong suốt 35 năm qua.

"Tôi có 2 người con, một người làm mảng nhà hàng, một người đam mê thể thao nên không có thế hệ kế thừa đủ đam mê để tiếp quản Thọ Phát. Do đó, tôi thực sự an tâm khi gửi gắm Thọ Phát cho KIDO, cùng KIDO viết nên những cột mốc mới, rực rỡ hơn nữa cho Thọ Phát trong tương lai" – nhà sáng lập Thọ Phát bộc bạch.