Người dùng Internet biến ChatGPT thành PT riêng, lên kế hoạch tập thể thao cho hiệu quả

Admin
OpenAI, công ty phát triển phần mềm ChatGPT đã cảnh báo câu trả lời do chatbot đưa ra có thể không hoàn toàn chính xác. Nhưng điều đó không thể ngăn người dụng tận dụng sự tiện lợi mà ChatGPT mang lại.

Lược dịch từ bài viết thể hiện quan điểm của Rhiannon Williams, cây bút viết cho tạp chí MIT Technology Review.

Khi mở bức thư điện tử thông báo tôi đã được tham gia vào cuộc thi London Marathon, tôi phấn chấn vô cùng. Và rồi hoảng hốt. Mới gần sáu tháng kể từ cuộc marathon (maratông) cuối cùng của tôi, tôi vẫn biết mình sẽ phải dốc sức đến đâu để ngày nào, tuần nào và tháng nào cũng phải tập chạy bất kể làn mưa, cái lạnh, nỗi mệt mỏi, cơn gắt gỏng hay tàn lực còn lại sau mỗi buổi nhậu.

Không ai cảnh báo rằng cuộc chạy maratông lại là phần dễ. Công cuộc tập luyện mới là thứ giết chết bạn - và quá trình tìm ra cách để những cuộc chạy luôn tươi mới và thú vị là một phần thử thách.

Một vài tay nghiện thể dục cho rằng họ đã tìm ra cách cải thiện quá trình tập luyện: là ủy quyền cho chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT làm huấn luyện viên cá nhân. Tạo ra bởi OpenAI, phần mềm này có thể được tận dụng để tạo ra mọi thứ từ thư tình cho tới văn bản pháp luật. Giờ đây, những người đam mê thể dục thể thao đang dùng nó để đưa thêm niềm vui vào những buổi tập luyện gay gắt. Một số nhà đầu tư còn đang tổng hợp và bán các gói tập do ChatGPT kiến tạo.

Người dùng Internet biến ChatGPT thành PT riêng, lên kế hoạch tập thể thao cho hiệu quả - Ảnh 1.

ChatGPT quá ư tiện lợi để người dùng làm ngơ - Ảnh: ADOBE STOCK.

Điểm thu hút đã quá rõ ràng. ChatGPT trả lời câu hỏi chỉ trong vài giây, loại bỏ bước lọc thông tin thủ công cho người dùng. Bạn thậm chí còn có thể hỏi một chuỗi câu liên quan, để ra được câu trả lời chi tiết mang tính cá nhân. Giọng điệu kiểu bạn bè tán gẫu của ChatGPT có thể coi là lý tưởng để cho ra lời khuyên về giữ gìn dáng vóc, và thông tin cho ra được trình bày rõ ràng.

OpenAI không bật mí chi tiết gì, nhưng chúng ta biết rằng ChatGPT được huấn luyện bằng dữ liệu lấy từ các website, các nguồn thông tin của Wikipedia, sách được lưu trên các thư viện số vậy nên bề ngoài, nó có thể trả lời khá tốt những truy vấn chung (cho dù không có ai đảm bảo những câu trả lời luôn đúng).

Liệu ChatGPT đã trở thành tương lai của thể dục thể thao? Hay nó chỉ là một kẻ ba hoa tự tin?

Tập dần mới quen

Để thử nghiệm khả năng lên kế hoạch tập luyện của ChatGPT, tôi yêu cầu nó viết lịch trình tập luyện dài 16 tuần để chuẩn bị cho cuộc thi chạy maratông. Chẳng mất bao lâu để tôi nhận ra cách này không hiệu quả. Để tập chạy maratông đúng cách, bạn sẽ phải tăng quãng đường chạy theo từng tuần. Lời dạy của tiền nhân cho thấy đường chạy tập dài nhất sẽ trên dưới 30 km. ChatGPT thì gợi ý quãng đường chạy dài 15 km. Tôi rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh mình chạy maratông mà không chuẩn bị tới nơi tới chốn, tôi sẽ đau đớn vô cùng - và gặp nguy cơ chấn thương cao.

Khi đưa ra yêu cầu tương tự nhưng trong một cuộc đối thoại khác - với nội dung “viết cho tôi một kế hoạch tập luyện dài 16 tuần cho buổi chạy maratông” - nó khuyên tôi chạy khoảng 30 km trước ngày dự thi. Một lần nữa, máy cho ra công thức tạo nên thảm họa. Bản kế hoạch sẽ khiến tôi kiệt sức trước vạch xuất phát, và có lẽ cũng sẽ bị chấn thương.

Tôi không rõ tại sao ChatGPT lại cho ra hai phương án khác nhau cho cùng một câu hỏi, vậy nên tôi đã hỏi chính OpenAI. Một phát ngôn viên nói với tôi rằng các mô hình ngôn ngữ lớn có xu hướng tạo ra những câu trả lời khác biệt cho mỗi lần được hỏi, và họ nói thêm rằng “Điều này xảy ra bởi lẽ [ChatGPT] không phải là một cơ sở dữ liệu. Nó sẽ tạo ra lời hồi đáp mới với mỗi câu hỏi hay mỗi truy vấn”. Trang web của OpenAi cũng giải thích rằng dù ChatGPT có thể học hỏi từ một cuộc hội thoại kéo dài, nó không thể sử dụng những cuộc đối thoại trong quá khứ để tạo ra câu trả lời trong tương lai.

Khi tôi hỏi OpenAI tại sao ChatGPT lại có thể cho ra những lời khuyên có thể để lại hậu họa, phát ngôn viên nói với tôi: “Điều quan trọng cần làm là nhắc độc giả rằng ChatGPT chỉ là phô diễn trước khả năng của một dự án nghiên cứu - và chúng tôi sẽ cho người dùng biết trước rằng nó có thể tạo ra thông tin sai lệch, và sẽ có lúc sản sinh ra những chỉ dẫn gây hại hoặc nội dung chứa thành kiến”.

Một trong những kế hoạch mà ChatGPT thảo cho tôi chứa lời khuyên, rằng đi xin ý kiến huấn luyện viên là một ý tưởng hay. Một bản kế hoạch khác nhắc tôi nên lắng nghe lời thì thầm từ cơ thể mình và nghỉ ngơi vài ngày. Lại có kế hoạch chẳng bao hàm bất cứ lời cảnh báo nào. Các câu trả lời của chatbot không nhất quán, và không hữu ích.

Đến cuối hành trình, tôi cảm thấy thất vọng và đôi chút lo ngại. Nó không giúp được tôi. Tuy vậy khi lướt TikTok, Reddit và Twitter, tôi phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng ChatGPT để lên ra kế hoạch tập thể dục thể thao. Không giống tôi, một số người nghe theo lời gợi ý của ChatGPT.

Thử thách giới hạn của ChatGPT

Lời khuyên liên quan tới thể dục thể thao của ChatGPT có thể ấn tượng khi chỉ xét bề nổi. Một người đam mê thể dục giữ dáng, anh Austin Goodwin tới từ Tennessee, biết đến ChatGPT khi đang làm công việc content marketing, rồi dần dà thử hỏi nó những truy vấn liên quan tới việc tập thể dục.

Anh từng yêu cầu nó giải thích hình thức tập luyện tích lũy áp lực tăng dần là gì (tức là tăng trọng lượng tạ nâng hoặc số lần nâng tạ), và tại sao thâm hụt calo là yếu tố cần có để giảm cân. “Dường như nó cung cấp cho tôi những câu trả lời của một người tích lũy kiến thức nhiều năm”, anh Goodwin nói. “Cứ như [ChatGPT] là chức năng tìm kiếm của Google hay Wikipedia được bơm steroid vậy - nó đã được cường hóa và lên tới cấp tiếp theo”.

Không chỉ mỗi Goodwin thấy khả năng đối đầu của ChatGPT với Google tìm kiếm - được biết, ban điều hành Google đã coi phần mềm này là mối đe dọa “cấp độ đỏ”.

Người dùng Internet biến ChatGPT thành PT riêng, lên kế hoạch tập thể thao cho hiệu quả - Ảnh 2.

Google đã sớm nhận ra tiềm năng và nguy cơ từ ChatGPT - Ảnh: Internet.

Tôi biết đến khả năng trình bày thông tin của ChatGPT khi yêu cầu nó lên kế hoạch tập tạ (truy vấn này chỉ mang tính lý thuyết thôi - tôi không định đẩy tạ theo chỉ dẫn của trí tuệ nhân tạo đâu). Thế là nó trả cho tôi một lộ trình bao gồm squat, hít xà và bài tập chùng chân. Để đẩy nó tới giới hạn, tôi đã nói với ChatGPT rằng mục đích của tôi là “gầy đi” (tôi lại nói dối nó một lần nữa, để làm báo cho cẩn thận). Nó trao cho tôi một câu trả lời ấn tượng, với lời khuyên rằng “với mục đích gầy đi, thì phải chú ý tới cân nặng”. Cũng đúng.

Goodwin đã thử nghiệm giới hạn hiểu biết của ChatGPT bằng những câu hỏi anh đã biết rõ câu trả lời. Đó cũng là phương pháp thử nghiệm của Alex Cohen, một người đam mê thể dục thể thao khác đang làm việc cho startup chăm sóc sức khỏe có tên Carbon Health.

Ban đầu, Cohen yêu cầu ChatGPT tính toán lượng năng lượng tiêu hao một ngày. Sau đó anh yêu cầu nó lên một bữa ăn và một kế hoạch tập luyện chi tiết. Cũng giống Goodwin, anh ấn tượng với cách ChatGPT trình bày thông tin. Tuy nhiên anh nhanh chóng nhận ra rằng phần mềm không thể thay thế một chuyên gia dinh dưỡng hay một huấn luyện viên cá nhân.

“Nó không đưa ra kế hoạch tập luyện dựa trên hình thể cụ thể của tôi, hay kinh nghiệm tập luyện của tôi”, anh Cohen nhận xét. Bên cạnh đó, ChatGPT không biết hỏi lại người dùng để thu thập thêm thông tin, nhằm cải thiện câu trả lời của mình.

Thực tế tập luyện

Chất lượng những lời khuyên của ChatGPT đa dạng, và một số người đã đang tuân theo lộ trình tập luyện do ChatGPT cung cấp.

John Yu, một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, ghi lại chi tiết 6 ngày tập luyện theo những lời khuyên của ChatGPT. Anh yêu cầu chatbot đưa ra một bài tập mẫu mỗi ngày, sau đó chỉnh sửa bài tập cho phù hợp với phần cơ thể anh định tập.

Những bài tập do ChatGPT đưa ra hoàn toàn ổn và dễ tập theo. Tuy nhiên, anh Yu nhận định các động tác do chatbot cung cấp thiếu tính đa dạng, khiến anh nhanh chóng nhàm chán.

Lee Lem, một nhà sáng tạo nội dung thể hình khác trên TikTok, cũng có trải nghiệm tương tự anh Yu. Anh yêu cầu ChatGPT cho ra một chương trình “tập chân tối ưu”, và phần mềm cho ra một loạt những bài tập thường thấy; tuy nhiên khoảng nghỉ giữa các bài tập quá ngắn. Anh Lem khẳng định 30 giây nghỉ là quá ngắn so với cường độ của các bài tập.

Những động tác lặp đi lặp lại sẽ khiến người tập nhanh chóng chán chường; các PT bằng xương bằng thịt đã quá rõ điều này, ChatGPT thì không.

Người dùng Internet biến ChatGPT thành PT riêng, lên kế hoạch tập thể thao cho hiệu quả - Ảnh 3.

Hai ví dụ đã chỉ ra vấn đề cốt lõi của ChatGPT trong hướng dẫn con người tập tành: nó không cân nhắc tới khả năng hữu hạn của cơ thể người - Ảnh: Internet.

Một số người không thể làm ngơ trước khả năng lên kế hoạch của ChatGPT, thậm chí họ còn sẵn sàng trả tiền để dùng dịch vụ miễn phí. Ahmed Mire, một kỹ sư phần mềm ngụ tại London đang bán các bài tập thể chất do ChatGPT soạn ra, với giá 15 USD/bài. Người có nhu cầu sẽ cung cấp cho Mire các thông tin như mục đích tập, số đo cơ thể hay mục tiêu mong muốn, … và anh Mire sẽ tham vấn ChatGPT.

Phần mềm ChatGPT miễn phí, nhưng người ta sẵn sàng trả tiền để mua được sự tiện lợi.

Đa số những người được tôi hỏi đều có một điểu chung, là coi những lời khuyên của ChatGPT là thử nghiệm thú vị chứ không phải chỉ dẫn mang tính chuyên nghiệp. Họ cũng đều có kiến thức cơ bản về thể chất, biết cơ thể mình hợp với bài tập gì, và có thể ngay lập tức nhìn ra điểm bất hợp lý trong lộ trình tập luyện do ChatGPT đưa ra. Những cá nhân chưa có kinh nghiệm có thể sẽ không đánh giá đúng chất lượng một bài tập do ChatGPT đưa ra.

Tương lai của tập luyện đây sao?

Điều này không đồng nghĩa với việc các mô hình trí tuệ nhân tạo không thể, hoặc không nên lên kế hoạch tập luyện. Nhưng phải kết luận lại, rằng chúng không chính xác hoàn toàn đâu. ChatGPT sẽ cải thiện theo thời gian và có thể sẽ có được khả năng đưa ra câu hỏi. Ví dụ, nó có thể hỏi người dùng liệu họ có ghét bài tập cụ thể nào, hay người dùng có chấn thương thể chất gì không. Nhưng về cơ bản, ChatGPT không thể tự đưa ra một lời khuyên có căn cứ nguồn gốc, và nó cũng không hiểu rõ bản chất của những khái niệm đang được phơi bày.

Bởi lẽ ChatGPT được huấn luyện bằng cơ sở dữ liệu có trên mạng, có thể nó sẽ cho ra những thông tin bạn không biết nhưng lại có người khác biết. Đó là nhận định của Philippe De Wilde, giáo sư chuyên ngành trí tuệ nhân tạo công tác tại Đại học Kent, Anh Quốc. Có thể ChatGPT sẽ cho ra câu trả lời đúng về mặt lý thuyết, gần như chắc chắn lời khuyên của chuyên gia sẽ có giá trị hơn.

Ngay cả khi có ích, chúng ta vẫn nên coi ChatGPT là một cách thức cải thiện bài tập thú vị, hoặc tìm kiếm một phương án tập luyện mà họ không tự tìm hiểu được. “Nó là công cụ, chứ không phải cẩm nang sức khỏe”, Rebecca Robinson, một cố vấn về thể chất và dược phẩm trong ngành thể thao cho hay.

Vậy là rời xa Internet, tôi làm theo chỉ dẫn từ sách vở và tạp chí, viết bởi những chuyên gia chạy và tự lập cho mình một kế hoạch tập chạy maratông riêng. Đã được bốn tuần, và tôi thấy rõ sự hiệu quả.

Không chỉ riêng mình tôi từ chối nghe lời khuyên của ChatGPT - Lem làm theo chỉ dẫn của ChatGPT để làm một video TikTok duy nhất, trong khi đó Yu cũng sớm quay lại với lộ trình tập luyện của mình. “Tôi thà tự tập và tự chỉnh lộ trình tập của mình, hơn là tiếp tục đưa thông tin cho ChatGPT để rồi chẳng hứng thú gì với những bài tập nó đưa cho”, anh Yu nhận định.