Nhiều đoàn Philippines sang Việt Nam đàm phán mua gạo

Admin
TPO - "Các đoàn của Philippines sang đàm phán để mua gạo trắng thường của Việt Nam với giá thấp, nhưng không có hàng, bởi gạo Việt Nam chủ yếu là gạo chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để nâng giá trị hạt gạo Việt Nam" - ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết.

Ngày 14/9 tại Cần Thơ,

Mục tiêu 4 tháng cuối năm Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo là “trong tầm tay”.

Về việc Ấn Độ dừng xuất khẩu (XK) gạo, ông Nam cho rằng, đây là quốc gia cung ứng gạo nhiều nhất, khi dừng sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, tình hình năm nay khác với năm 2008 (thời điểm khủng hoảng lương thực toàn cầu), hơn nữa phân khúc gạo và thị trường XK của Việt Nam khác với Ấn Độ nên không chịu ảnh hưởng nhiều.

Cũng theo đại diện VFA, mục tiêu 4 tháng cuối năm XK được 1,2 triệu tấn gạo là “trong tầm tay”, bởi 8 tháng đầu năm đã đạt hơn 5,8 triệu tấn. Nhu cầu thị trường vẫn khả quan, nhất là thị trường số 1 Philippines.

"Các đoàn của Philippines sang đàm phán để mua gạo trắng thường của Việt Nam với giá thấp, nhưng không có hàng, bởi gạo Việt Nam chủ yếu là gạo chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để nâng giá trị hạt gạo Việt Nam. Năm nay và năm 2024, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thắng lợi, cần giữ vững thị trường và nâng cao chất lượng..." - Chủ tịch VFA nhấn mạnh.

Đã xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất lúa vùng ĐBSCL năm nay ước đạt 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,8 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022.

Giá lúa tăng từ cuối vụ Hè Thu 2023 đến nay dẫn đến các doanh nghiệp (DN) tăng cường thu mua lúa và cam kết theo giá thị trường hoặc giá cố định ngay từ đầu vụ giúp nông dân an tâm sản xuất, không lo đầu ra khi vào vụ thu hoạch.

Nhiều đoàn Philippines sang Việt Nam đàm phán mua gạo ảnh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2023-2024, vùng ĐBSCL xuống giống gần 1,5 triệu ha, giảm 3,7 nghìn ha; năng suất ước đạt 72,2 tạ/ha, tăng 0,04 tạ/ha và sản lượng hơn 10,6 triệu tấn, giảm 20 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2022-2023.

Tính đến thời điểm hiện tại, XK gạo đạt gần 6 triệu tấn, giá trị 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng hơn 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo XK bình quân ước đạt 542 USD/tấn, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Ngoài lúa gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, năm nay vùng ĐBSCL có trên 400 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng trên 5,3 triệu tấn.

“XK rau quả ước đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm 2022", ông Trung nói, đồng thời cho biết, dự báo năm 2023, hai mặt hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong XK.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Trung, sản xuất trồng trọt tại vùng ĐBSCL vẫn còn tồn tại những hạn chế, thách thức như việc sử dụng giống gieo sạ trên một diện tích còn cao; công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói còn hạn chế; liên kết chuỗi chưa chặt chẽ…

Vụ Đông Xuân 2023-2024 vùng ĐBSCL dự báo là vụ sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để đảm bảo thắng lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, tránh hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo hiệu quả kinh tế, cân đối cung cầu…

Theo ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), tình hình sản xuất lúa gạo năm nay đáng mừng cho nông dân, tuy nhiên giá cũng cần vừa phải, nếu cao quá sẽ dẫn tới lạm phát. "Chuyện đứt gãy chuỗi liên kết, bán sang tay rất nhiều nhưng không có hành lang pháp lý, các DN lớn không có đủ gạo để giao, phá vỡ hợp đồng, cơ quan chính quyền không giải quyết được… Do vậy, cần có hành lang pháp lý đủ mạnh”, ông Việt Anh nói.