Thị trường thương mại điện tử không còn là "gà đẻ trứng vàng" đối với các doanh nghiệp (DN) là nhà bán hàng như giai đoạn 2017-2019. Vì vậy, để phát triển, DN buộc phải có chiến lược, cách thức riêng.
Thành công nhờ bí quyết riêng
Công ty CP Sofia (TP HCM) chuyên kinh doanh hàng thời trang với mô hình truyền thống là mở chuỗi cửa hàng. Lúc cao điểm, Sofia có 25 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành nhưng đã đóng cửa toàn bộ, chuyển đổi sang bán hàng online do COVID-19.
Bà Võ Thị Bích Thùy, Giám đốc Sofia, cho biết DN chọn phương thức bán hàng livestream (phát trực tiếp) qua Facebook. Từ 2 đơn hàng trong lần livestream đầu tiên cho đến khi đạt cột mốc ngàn đơn/ngày, toàn bộ nhân viên công ty đều có thể tham gia livestream. DN đang phấn đấu đạt mục tiêu 20.000 đơn/ngày khi các dịch vụ hỗ trợ bán hàng online ngày càng hoàn thiện.
"Nhiều người cho rằng bán hàng online sẽ ảnh hưởng thương hiệu thời trang cao cấp phong cách châu Âu mà Sofia xây dựng ngày đầu. Nhưng thực tế, với việc bán hàng số lượng lớn và "hàng chất - giá mềm" thì thương hiệu mạnh lên chứ không yếu đi" - bà Thùy nhận xét.
Xuất phát từ hàng thời trang, chủ yếu là giày và túi xách, đến nay, Sofia đã mở rộng danh mục hàng hóa ra ngoài ngành hàng này với 3 ca livestream đều đặn mỗi ngày, mỗi ca thu hút khoảng 8.000-9.000 tài khoản theo dõi cùng lúc. Bà Thùy nêu bí quyết: "Chúng tôi thường xuyên tặng quà cho người xem. Quà tặng thường là sản phẩm còn số lượng ít, không đủ size (kích cỡ) - vừa làm người xem vui vừa giúp DN giải phóng hàng tồn kho".
Một buổi livestream bán bò khô online của Ba Thức Food Ảnh: AN NA
Công ty TNHH Ba Thức Food là một trong những DN "from zero to hero" (từ số 0 thành anh hùng) trong khởi nghiệp online được dẫn chứng tại hội nghị TikTok toàn cầu diễn ra ở Indonesia mới đây. Anh Phan Minh Thức, đồng sáng lập Ba Thức Food, cho biết khởi điểm, công ty kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé nhưng thất bại. Đến khi TikTok Shop mở ngành hàng thực phẩm, công ty bán khô hải sản, mật ong, cà phê…
"Gia đình có nghề làm bò khô nhưng tôi không nghĩ đến bán mặt hàng này vì thấy giá sản phẩm cao, sợ không phù hợp với người dùng TikTok. Thế nhưng, bất ngờ là sau khi bán thử bò khô lại "hot", các video nội dung của kênh được lên xu hướng" - anh Thức nhớ lại.
Thời điểm tháng 7-2022, đơn hàng bình thường từ 50-100 tăng vọt lên 700-1.000 đơn/ngày. Do bị động, DN quá tải đơn hàng nên phải ngừng kinh doanh 1 tháng để nâng cấp hệ thống.
Đến mùa Tết 2023, Ba Thức Food cũng một phen "cháy" hàng khi các video được nền tảng đề xuất, từ chỗ 300-400 đơn hàng/ngày vọt lên 2.000-3.000 đơn hàng/ngày. Do có sự chuẩn bị nên DN nên vận hành trơn tru, tiếc là phải nghỉ Tết sớm vì không còn hàng.
"Mùa Tết năm nay, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tăng lượng hàng lên gấp 4 lần ngày thường" - anh Thức dự tính.
Phải thích ứng nhanh
Anh Trần Lâm có 7 năm kinh nghiệm kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, hiện sở hữu 5 thương hiệu trên các nền tảng này gồm: Julyhouse, Macaland, Loli&theWolf, HevieFood và BuB&MuM. Với hơn 150 mã hàng hóa, tổng doanh thu từ 5 thương hiệu này lên đến 70 tỉ đồng/năm.
Từ kinh nghiệm "thực chiến" nhiều năm trên sàn thương mại điện tử, anh Lâm cho biết những năm 2017-2019, các sàn bắt đầu đầu tư nền tảng online, chạy quảng cáo và tài trợ phí vận chuyển, tặng voucher ưu đãi rất nhiều cho các nhà bán hàng nên DN dễ kiếm lợi nhuận. Từ năm 2020, sàn cắt giảm dần các ưu đãi cho nhà bán hàng. Thay vì phụ thuộc vào số lượng truy cập của sàn, anh cân đối giữa việc tham gia các chương trình của sàn thương mại điện tử ở mức vừa phải và đầu tư thêm các kênh truy cập ngoài sàn như Facebook, TikTok…
"Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, các sàn thương mại điện tử tăng nhiều loại phí khiến nhà bán hàng rất dễ rơi vào tình trạng bán không có lời. Ngoài ra, sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu lớn trên sàn thương mại điện tử cũng gây sức ép cho các DN nhỏ. DN phải phân tích được lợi thế của mình, cập nhật xu hướng và điều chỉnh liên tục, đáp ứng mọi thay đổi để không bị thụt lùi" - anh Lâm nêu kinh nghiệm.
Theo anh Lâm, giai đoạn hiện tại, DN vẫn có thể phát triển được bởi các sàn thương mại điện tử đã vào giai đoạn ổn định, có hệ thống chính sách rõ ràng. Nếu làm tốt, nhà bán hàng có thể dễ điều chỉnh các hoạt động của DN mình để đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), cho rằng khởi nghiệp kinh doanh online ngày càng dễ bắt đầu khi có sẵn nền tảng, người tiêu dùng đã quen mua online, phương thức vận chuyển và thanh toán ngày càng thuận lợi với chi phí thấp. Tuy nhiên, do ai cũng có thể kinh doanh online nên cạnh tranh về giá rất lớn, biên độ lợi nhuận mỏng.
"Muốn thành công trong kinh doanh online, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành…" - ông Tấn gợi ý.
Lưu ý với nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Tại buổi ra mắt sách "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử" ngày 4-11 ở TP HCM, tác giả Trần Lâm đã đưa ra một số lời khuyên dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo anh Lâm, muốn phát triển thành công trên sàn thương mại điện tử, DN/nhà bán hàng nên bắt đầu từ nhu cầu thật sự của khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp, đúng mong đợi của họ. Cần tìm hiểu kỹ quy mô thị trường và đối thủ nhằm đưa ra các dự đoán đúng cho sự phát triển doanh số của DN mình. DN cần phát triển bán hàng đa kênh và tập trung hơn vào kênh hiệu quả nhất; chủ động truyền thông trên Facebook, TikTok...
"Thương mại điện tử thay đổi rất nhanh. DN không chỉ cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả mà còn phải đầu tư nhiều hơn để kể câu chuyện của sản phẩm bằng hình ảnh, clip, dẫn dắt khách hàng đến quyết định mua hàng. Những DN chậm thay đổi, phụ thuộc vào công cụ giảm giá để thu hút khách sẽ gặp nhiều rủi ro, thậm chí có thể kéo cả một ngành hàng đi xuống" - anh Lâm lưu ý.