Những con chip mang chất xám Việt

Admin
Phát huy tố chất của nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn cho toàn cầu

Việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch Marvell tại Việt Nam là bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành vi mạch Việt Nam.

Cơ hội lớn cho kỹ sư công nghệ

Ngày 16-5 vừa qua, tại TP HCM, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ) công bố thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tầm cỡ thế giới.

Tại buổi lễ, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM, nhận định các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD, góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, cũng như vun đắp tài năng và hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo. Theo bà Susan Burns, điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Các doanh nghiệp Mỹ như Marvell luôn tiên phong trong quá trình tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam, với những sản phẩm được sử dụng làm thành phần cốt lõi trong nhiều loại sản phẩm, hàng hóa từ điện thoại, xe hơi đến những hạ tầng số là nền tảng của nền kinh tế hiện đại.

Những con chip mang chất xám Việt - Ảnh 1.

Marvell Việt Nam đã trao học bổng cho 10 sinh viên xuất sắc ở Việt Nam để đẩy mạnh chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch

Marvell đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2013, bắt đầu bằng một nhóm kỹ sư hơn chục người nghiên cứu và tham gia các dự án phát triển vi mạch của Marvell. Marvell Việt Nam đã liên tục phát triển, đặc biệt là trong vài năm gần đây tăng trưởng mạnh về nhân sự. Hiện nay, 2 văn phòng của Marvell tại TP HCM có 300 nhân viên, trong đó có tới 97% là các kỹ sư phần cứng và phần mềm. Ông Raghib Hussain, Chủ tịch Bộ phận Sản phẩm và Công nghệ của Marvell, nhấn mạnh Marvell toàn cầu đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của Marvell ở Việt Nam. Vì thế, tập đoàn đã quyết định nâng cấp bộ phận phát triển vi mạch tại Marvell Việt Nam lên thành trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới. Đồng thời cam kết đầu tư mạnh và lâu dài ở Việt Nam.

Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đến đỉnh điểm?

TS Nguyễn Lợi - Phó Chủ tịch cấp cao (EVP) của Marvell toàn cầu, phụ trách Bộ phận Kết nối quang và đồng - cho biết: "Một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật và đây là cơ hội lớn cho các kỹ sư công nghệ Việt Nam. Marvell cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thu hút nhân tài kỹ thuật ưu tú nhất tới Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP HCM nhằm góp phần phát triển các cơ hội việc làm, sự nghiệp và hệ sinh thái vi mạch giá trị cao tại Việt Nam".

Theo TS Nguyễn Lợi, Marvell chọn Việt Nam lập trung tâm thiết kế vi mạch là vì Việt Nam năng động; có nền chính trị - xã hội ổn định; có nguồn lực nhân tài; đem lại hiệu quả kinh tế thật sự cho nhà đầu tư.

Năng động, ham học hỏi

Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam được định hướng phát triển thành một trung tâm hàng đầu của Marvell, nơi phát triển các công nghệ tân tiến phục vụ cho chiến lược mới của Marvell tập trung mạnh vào 2 lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).

Trước đó, vào ngày 8-4-2021, Trung tâm Vi mạch bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc đã được khai trương tại TP HCM. Trung tâm hoạt động theo mô hình hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) và Công ty Thiết kế vi mạch SNST Finger Vina (Hàn Quốc) nhằm tăng cường hoạt động hợp tác phát triển vi mạch giữa cơ quan Chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Mục tiêu của trung tâm là đào tạo 100 kỹ sư vi mạch mỗi năm, để phát triển nguồn nhân lực đang thiếu hụt trên quy mô toàn cầu trong khi nhu cầu về vi mạch không ngừng gia tăng.

Thế giới đánh giá cao tiềm năng và năng lực của Việt Nam, chủ yếu về chất xám của các chuyên viên Việt Nam trong lĩnh vực phát triển vi mạch. Về đội ngũ kỹ sư vi mạch Việt Nam, TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, cho rằng họ năng động, ham học hỏi; thái độ làm việc tốt, có trách nhiệm với công việc; làm việc nhóm (team work) tốt, nhất là khi làm việc với các nhóm cộng sự nước ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Trung tâm Thiết kế vi mạch, Marvell Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư phát triển nguồn lực nhân tài hội đủ các kỹ năng công nghệ thiết yếu thông qua chương trình Học bổng ưu tú Marvell Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ các sinh viên tài năng chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính tại các trường đại học hàng đầu Việt Nam. Marvell sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học ở Việt Nam để đào tạo thêm nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch. Cụ thể, Marvell sẽ hợp tác để các trường đại học trang bị cho sinh viên các kỹ năng mà hãng cần ở họ. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể phát huy tố chất của nguồn nhân lực Việt Nam phát triển lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn để trở thành một trung tâm sản xuất chip cho toàn cầu.

Thực tế, trên thế giới có những "ông lớn" sản xuất chip không hề có nhà máy sản xuất mà họ tập trung vào việc thiết kế chip rồi đặt hàng gia công cho các nhà máy chuyên sản xuất chip như AMD, Apple, NVIDIA, MediaTek, Qualcomm... Trong những năm qua, trong số những con chip bán trên thế giới có phần đóng góp chất xám từ những kỹ sư Việt Nam. Hồi giữa năm 2020, Qualcomm (Mỹ) đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) tại Hà Nội - cơ sở R&D đầu tiên của Qualcomm tại Đông Nam Á. Cuối tháng 12-2022, Samsung (Hàn Quốc) đã khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội có quy mô đầu tư 220 triệu USD. Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu. Trước đó, vào cuối tháng 10-2010, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã khánh thành nhà máy lắp ráp và kiểm định chip (ATM) tại TP HCM, mà hiện nay là một trong những nhà máy ATM lớn nhất và hiện đại nhất của Intel trên thế giới.

Việc các hãng nước ngoài đẩy mạnh hoạt động thiết kế chip ở Việt Nam sẽ giúp cho các kỹ sư vi mạch Việt cọ xát, phát triển khả năng của mình. Họ chính là những nhân tố phục vụ cho chiến lược phát triển chip của Việt Nam trong tương lai. 

Xây dựng chương trình về sản xuất chip điện tử

Tại hội nghị trực tuyến với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip điện tử. Các tỉnh, thành cũng sẽ nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại địa phương và thúc đẩy lĩnh vực này. Năm 2022, Viettel đã đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Tháng 9-2022, FPT Semiconductor đã ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) y tế.