Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết 2 năm qua, ngành chăn nuôi phải "gồng mình" vượt qua khó khăn do khủng hoảng thị trường và hậu dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, tình trạng nhập lậu khiến cho thị trường trong nước càng khó khăn hơn. "Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu cũng bị thua lỗ nặng nề như hiện tại" - ông Sơn nói.
Báo cáo về tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và công tác chỉ đạo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh động vật, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết dù Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên tục ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. "Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm; mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta" - ông Minh nói.
Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp vận chuyển gia cầm nhập lậu. Ảnh: VĂN PHÚC
Bên cạnh đó, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.
Để giải quyết tình hình trên, Cục Thú y đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Đề nghị Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý…