Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3/4 nhóm mặt hàng trong sắc xanh đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,43% lên 2.108 điểm, kết thúc chuỗi 5 ngày giảm liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 4.386 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày hôm qua, giá hầu của hết các mặt hàng nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp đồng loạt đi lên.
Hôm qua, sắc xanh đã quay lại thị trường ngô, nhưng đà tăng đã có dấu hiệu chững lại. Đây cũng là phiên thứ 3 mà ngô chỉ diễn biến giằng co với biên độ hẹp. Tâm lý thận trọng của thị trường trước thời điểm công bố báo cáo Ước tính cung cầu nông nghiệp thế giới (WASDE) tháng 12 trong tối nay là nguyên nhân lý giải cho điều này. Đóng cửa phiên, giá ghi nhận mức hồi phục nhẹ 0,77%.
Trong khi đó, lúa mì nối dài chuỗi tăng liên tục khi đóng cửa với mức hồi phục 1,38%, chạm mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Bất chấp những số liệu kém tích cực trong báo cáo Export Sales tối qua, việc xuất hiện các đơn bán hàng lúa mì lớn sang Trung Quốc trong tuần này vẫn là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ đến giá.
Sau chuỗi 5 phiên liên tiếp suy yếu, giá đậu tương đã hồi phục trở lại hơn 1% vào hôm qua. Những số liệu trong báo cáo hằng tháng từ Cơ quan Cung ứng mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB) là yếu tố chính đã ảnh hưởng đến diễn biến giá. Trong báo cáo tháng 12, CONAB đã bắt đầu ghi nhận những thiệt hại mà đậu tương phải đối mặt sau đợt khô hạn kéo dài trong tháng 10 và 11 tại Brazil.
Dầu đậu tương đã tăng mạnh hơn 3,5%, là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản, nhờ được hưởng lợi từ diễn biến dầu cọ. Trong khi đó, do chịu áp lực trái chiều, khô đậu tương đã ghi nhận mức giảm nhẹ.
Giá dầu biến động giằng co, kết phiên giảm nhẹTrước khi kết phiên ngày 7/12 trong sắc đỏ, giá dầu biến động giằng co sau khi xuống vùng thấp nhất 6 tháng qua. Cụ thể, dầu WTI giảm 0,06% xuống 69,34 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên về mức 74,05 USD/thùng, giảm 0,34% so với phiên trước đó. Như vậy, giá dầu đã có chuỗi giảm 6 ngày liên tiếp.
Lo ngại về triển vọng tiêu thụ yếu, trong khi nguồn cung không còn khan hiếm, đã liên tục gây sức ép cho giá dầu bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trước đó.
Hoạt động thương mại của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, suy yếu trở lại trong tháng 11. Cụ thể, theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa tháng 11 của Trung Quốc giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với kỳ vọng tăng 3,3% của thị trường và giảm mạnh từ mức tăng 3% ghi nhận trong tháng 10.
Trong đó, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tháng 11 giảm 13,3% so với tháng trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 10,33 triệu thùng/ngày, đánh dấu mức giảm theo năm đầu tiên kể từ tháng 4 do tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập.
Tại Mỹ, mức tiêu thụ xăng dầu cũng suy giảm trong giai đoạn mùa Đông.
Về yếu tố vĩ mô, các dữ liệu không mấy tiêu cực tại khu vực châu Âu và Mỹ cũng góp phần hạn chế tâm lý tích cực của nhà đầu tư trên thị trường dầu. Tăng trưởng GDP quý III/2023 của Khu vực đồng euro (Eurozone) giảm 0,1% so với quý trước. Còn tại Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước không có sự biến động mạnh so với tuần kết thúc vào ngày 25/11, nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao, cho thấy các áp lực trên thị trường lao động sau giai đoạn liên tục tăng lãi suất.