“Sập bẫy” lừa đảo trên mạng xã hội: Do cả tin hay lòng tham khó chế ngự?

Admin
Mặc dù các vụ lừa đảo thông qua mạng xã hội diễn ra liên tục thời gian qua nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”, nguyên nhân do cả tin hay lòng tham khó chế ngự?

Một buổi chiều cuối tháng 4/2024, tôi nhận được cuộc gọi từ một người bạn, cô ấy vừa khóc, vừa kể bị một người quen qua mạng xã hội lừa mất hơn 200 triệu đồng. Đây là thông tin khiến tôi vô cùng bất ngờ, bởi bạn tôi, một nhân viên văn phòng với mức thu nhập không đến 10 triệu đồng mỗi tháng, lại phải nuôi 2 đứa con nhỏ, nên lúc nào cũng vô cùng cẩn thận khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền bạc.

Mỗi lần có việc, phải chuyển khoản tiền cho bạn bè, cô ấy thường phải gọi điện thoại hình ảnh để xác nhận lại thông tin trước khi chuyển tiền. Vậy mà, lại bị lừa đảo hơn 200 triệu đồng do tham gia đầu tư trên mạng với một người chỉ vừa mới quen sơ sơ.

photo-1715238373803

Một nạn nhân bị lừa đảo trên mạng xã hội đến cơ quan công an trình báo

Theo lời người bạn tôi kể, cô ấy quen một người trên mạng xã hội và được họ mời đầu tư cùng rất nhiều lần, nhưng đều từ chối. Cho đến một hôm, muốn tìm kiếm cơ hội cải thiện thu nhập, nên bạn tôi đồng ý đi ăn trưa cùng người bạn mới quen qua mạng xã hội này và sự việc bắt đầu từ đây.

Theo lời cô ấy kể, người bạn mới này nhìn rất sang chảnh, kiểu “không có gì ngoài tiền”, họ giới thiệu say sưa với bạn tôi về một dự án đầu tư có khả năng sinh lời cao và nói cần vài người tin tưởng cùng huy động vốn để thực hiện, bạn tôi là một người “may mắn” nên được lựa chọn. Cái cách họ thể hiện, quan tâm đến bạn tôi suốt bữa ăn trưa đã lấy được lòng tin của cô ấy. Thời điểm ấy, cô ấy cho rằng, người bạn mới quen trên mạng xã hội là một người “tử tế”, có thể sẽ giúp cô ấy thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

Sau khi đồng ý chuyển thử 20 triệu đồng tham gia và được trả lãi hàng tháng rất cao, sau vài tháng mới mức lãi suất tưởng “ngon ăn”, người bạn tôi tiếp tục huy động thêm tiền từ người thân, bạn bè nhiều lần, và khi số tiền huy động lên tới hơn 200 triệu đồng thì không thể liên lạc được với người bạn quen qua mạng bằng bất cứ hình thức nào nữa. Lúc này, người bạn tôi mới tin là mình đã bị lừa.

Số tiền hơn 200 triệu đồng là quá lớn với một người làm nhân viên văn phòng hàng tháng lĩnh lương chưa đến 10 triệu đồng, nhưng bạn tôi lại chẳng có cách nào lấy lại được, cũng chẳng dám chia sẻ với ai vì sợ bị người thân trách móc, nên cứ âm thầm nuốt “cục tức” một mình.

Trước đó, vào năm 2023, một người phụ nữ ở huyện Đông Anh, Hà Nội cũng bị lừa đảo gần 400 triệu đồng khi thấy quảng cáo làm cộng tác viên online trên mạng xã hội, khi đặt lệnh làm nhiệm vụ mua bán sản phẩm để tăng tương tác, sẽ được hưởng hoa hồng. Với lời giới thiệu việc nhẹ lương cao, không cần làm nhiều mà vẫn có tiền, người phụ nữ này đã nhẹ dạ chuyển gần 400 triệu đồng để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi liên hệ đối tác, người phụ nữ này không những không nhận được tiền hoa hồng mà còn mất trắng khoản tiền đã chuyển hơn 400 triệu đồng.

photo-1715238392653

Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp, tinh vi

Thời gian qua, số người bị lừa đảo qua mạng bằng hình thức góp vốn đầu tư, hay tham gia các sàn chứng khoán ảo, nhận tiền trúng thưởng… vô cùng nhiều. Có người thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng, đẩy gia đình, người thân vào hoàn cảnh bi đát.

Đáng buồn hơn, các sự vụ này diễn biến ngày càng nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều người “sập bẫy”, bởi các đối tượng lừa đảo đánh vào sự cả tin và lòng tham của con người. Nhiều người mong muốn có một khoản thu nhập hàng tháng để trang trải cuộc sống gia đình, hay mong muốn có một mức lương hấp dẫn nhưng lại chỉ làm một công việc nhẹ nhàng… đã biến họ trở thành "miếng mồi ngon" của kẻ lừa đảo.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các vụ việc lừa đảo diễn ra trên không gian mạng ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, trong khi các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát. Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng này, mỗi người nên tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình, để không trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, bởi “trên đời này, không có bữa trưa nào là miễn phí”. Đồng nghĩa với việc, không có một công việc nào mang lại thu nhập hấp dẫn mà không phải bỏ thời gian, công sức hay trí tuệ để thực hiện.