Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng).
Thông điệp bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh
Ngày 13/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo trên?
TS. Đinh Thế Hiển: Thị trường chứng khoán phát triển hơn 20 năm. Ai cũng biết đây là thị trường vốn quan trọng nhất cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ thị trường chứng khoán là thị trường cổ phiếu. Trong khi đó tại các nước phát triển, thị trường trái phiếu có sự phát triển đi ngang hoặc hơn thị trường cổ phiếu. Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam phát triển chưa đúng như là quy luật phát triển của các nước phát triển, nghĩa là trở thành thị trường vốn của doanh nghiệp.
Năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đột ngột tăng quy mô rất mạnh, tuy nhiên lại không đi theo như quy mô sự phát triển trái phiếu ở các nước ngoài, mà đi vào hướng phát hành riêng lẻ. Ở nước ngoài, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ dành cho những quy mô đầu tư nhỏ hoặc những đối tác. Còn khi đã phát hành cho các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư với quy mô lớn thì phải là dạng chứng khoán hóa như ở nước phát triển. Nhưng ở Việt Nam chưa làm được như vậy.
Tháng 4/2022, Bộ Tài chính đã nhận ra điều này, đánh giá được những rủi ro và cũng đã đưa ra những khuyến nghị, ban hành các hướng dẫn, văn bản để chấn chỉnh. Tháng 9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Thông điệp mới đây của Chính phủ đã làm rõ điều đó khi cho rằng trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh vốn quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời cũng phải bảo đảm được sự phát triển phù hợp của thị trường vốn như là các nước phát triển đã làm.
Chúng ta nhận thấy thời gian qua, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển quá lớn, một cách bất ngờ, tập trung đa số vào các công ty đầu tư bất động sản, trong lúc giai đoạn thị trường bất động sản đang rất khó khăn, hơn nữa lại phát hành trái phiếu riêng lẻ chứ không phải ở các công ty đại chúng, không giao dịch trên sàn.
Những điều này đã gây ra sự rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và gây lo ngại cho những thời điểm đáo hạn của các nhà đầu tư.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện là nhằm chuẩn hóa và chuẩn mực, tăng tính an toàn cho thị trường, đồng thời chỉ đạo đề ra các biện pháp nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Tôi cho rằng điều đó rất kịp thời, cần thiết trong thời điểm hiện nay và quan trọng hơn cũng là bảo đảm cho những trái phiếu đã phát hành không tạo ra những rủi ro lớn cho hệ thống tài chính, mục đích là xử lý vấn đề đáo hạn cho những trái phiếu đã phát hành.
Tạo dư địa, cho phép các công ty có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu
Vừa qua Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, việc ban hành Nghị định 65 liệu có giải quyết được hết những khó khăn mà thị trường đang gặp phải không?
TS. Đinh Thế Hiển: Tháng 9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65. Nghị định này đã sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Từ đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành trong phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải bảo đảm đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư…
Tuy nhiên, Nghị định 65 lại theo hướng thắt chặt quá, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm… Do đó, nếu không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm 2023, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát hành trái phiếu.
Tôi thấy trong dự thảo Nghị định 65 đã có nhiều đề xuất quan trọng, kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
Năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, chúng ta thấy số lượng trái phiếu đã phát hành rất lớn và sẽ đáo hạn vào năm 2023, 2024 và cả 2025 với một số tiền lớn. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đa số các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vấn đề trong việc đáo hạn. Trong khi số vốn mà họ có được khi phát hành trái phiếu lại đang nằm trong các dự án bất động sản đang triển khai và các sản phẩm chưa bán ra được để thu hồi trả nợ. Vì vậy việc sửa đổi Nghị định này sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
Bên cạnh đó, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính vì vậy, đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp thực ra là dọn đường cho việc gia hạn/giãn nợ; tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ.
Liên quan đến những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, tôi cho rằng Bộ Tài chính nên có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho những nhà đầu tư có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ 300 đến 500 triệu đồng. Bởi lẽ, đây hầu hết là những người hưu trí, làm công ăn lương do lầm tưởng, thiếu hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp mà đầu tư. Họ là đối tượng dễ tổn thương nên mong ngóng nhận được tiền.
Trân trọng cảm ơn ông./.
Giang Oanh (thực hiện)