Thị trường hàng hoá đầy biến động ngay đầu năm 2024

Admin
(Chinhphu.vn) - Diễn biến giá của các mặt hàng quan trọng như dầu thô, cà phê, nông sản diễn ra khá nhanh và liên tục. Dòng tiền đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ, có thời điểm vượt mốc 9.200 tỷ đồng. Rất nhiều “điểm nóng” quốc tế đã tạo ra sức hấp dẫn này và dự kiến giá hàng hoá sẽ còn tiếp tục biến động mạnh mẽ trong vài tháng tới.

Nhiều mặt hàng biến động mạnh, giá trị giao dịch tăng cao

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá trị giao dịch toàn Sở tính từ đầu năm đến ngày 7/2 trung bình đạt gần 5.400 tỷ đồng mỗi ngày, tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 1, đầu tháng 2, giao dịch trong nước đã ghi nhận chuỗi tăng 7 ngày liên tiếp, vượt mốc 9.200 tỷ đồng vào ngày 2/2.

Giá nhiều mặt hàng biến động mạnh đã kéo dòng tiền liên tục đổ về thị trường. Giá cà phê Robusta chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm khi tăng khoảng 27,3% so với tháng trước. Mặt hàng thu hút được sự chú ý nhiều nhất của các nhà giao dịch trong tháng qua là dầu thô cũng đứt chuỗi giảm ba tháng liên tiếp khi tăng khoảng 7% trong tháng 1. Trong khi đó, giá của hầu hết các mặt hàng nhóm nông sản như ngô, lúa mì, đậu tương lại suy yếu. Đáng chú ý cho đến nay, giá ngô vẫn đang hình thành vùng đáy mới trong ba năm qua.

Nhận định về bức tranh thị trường hàng hóa tháng khởi đầu năm nay, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Các số liệu cho thấy hàng hóa nguyên liệu thế giới đã khởi đầu một năm mới khá tích cực. Diễn biến giá vẫn liên tục biến động tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đúng với tính chất của thị trường quy mô thế giới. Giai đoạn tới, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động mạnh khi các biến số khó lường và cả yếu tố cung cầu có tác động nhiều hơn tới giá hàng hóa”.

Những yếu tố tạo nên diễn biến sôi động của thị trường hàng hóa đầu năm

Đầu tiên, phải kể đến căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ - một trong những tâm điểm ảnh hưởng mạnh nhất tới diễn biến giá hàng hoá từ đầu năm cho tới nay. Nhiều tàu hàng đã phải thay đổi hải trình với thời gian lâu hơn. Giá cước vận tải tăng vọt. Yếu tố cung cầu và giá cả nhiều mặt hàng vì vậy cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Điển hình như thị trường cà phê ghi nhận lượng hàng xuất khẩu trong quý I/2024 từ Châu Á sang Mỹ và Châu Âu đã giảm khoảng 36% so với cùng kỳ. Điều này gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại các nước nhập khẩu và đẩy giá liên tục tạo đỉnh mới. Giá cà phê tại thị trường nội địa vượt 79.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với mức giá 40.000 đồng/kg đầu năm trước.

Cuối tháng 1, giá dầu cũng đã đạt đỉnh của hai tháng, trong đó, dầu WTI sát mốc 80 USD/thùng khi một số tàu chở nhiên liệu cũng gặp thiệt hại nhất định khi đi qua các eo biển. Cùng xu hướng giá thế giới, giá xăng dầu trong nước tính đến ngày 1/2 cũng lên cao nhất kể từ cuối tháng 11.

Bên cạnh đó, biến động giá dầu còn bị ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô. Bằng chứng là sự lao dốc hơn 7% chỉ trong vòng 1 tuần, vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 khi Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đập tan hi vọng của thị trường rằng lãi suất sẽ sớm được cắt giảm ngay trong tháng 3.

Không chỉ giới hạn ở khu vực Biển Đỏ, căng thẳng trong mối quan hệ giữa những khu vực khác cũng có ảnh hưởng tới cơ cấu cung cầu, đặc biệt là nhóm nông sản. Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn truyền thống như Mỹ và đa dạng hóa thị trường cung cấp để đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu rủi ro, Trung Quốc đang dần chuyển sang mua hàng từ Nga, Brazil. Động thái của thị trường nhập khẩu khổng lồ này có thể đe doạ tới xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ và tạo sức ép tới giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới.

Như vậy, có thể thấy thị trường hàng hoá đã khởi động năm 2024 với những yếu tố ảnh hưởng rất đa chiều, khó đoán, nhiều thời điểm tác động ngay lập tức lên giá với biến động tăng hoặc giảm mạnh. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc dự báo giá cả thời gian tới.

Hai ẩn số tác động lên thị trường hàng hóa thời gian tới

MXV đánh giá rằng trong thời gian tới sẽ có hai ẩn số lớn mà các nhà giao dịch hàng hoá cần để tâm. Thứ nhất, địa chính trị vẫn là yếu tố quan trọng nhất và có thể tạo ra nhiều sự bất ngờ. Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng theo sát diễn biến này và câu hỏi lớn nhất đang được thị trường quan tâm, là xung đột tại khu vực Trung Đông sẽ còn kéo dài đến khi nào và liệu có theo chiều hướng lan rộng ra cấp độ khu vực hay không?

Năng lượng sẽ là nhóm hàng nhạy cảm và phản ứng mạnh mẽ nhất với bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào, do khu vực Trung Đông tập trung phần lớn các “ông lớn” xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Mặc dù cho đến nay, tác động vẫn tương đối hạn chế do nguồn cung tạm thời được đảm bảo, kết hợp cùng nhu cầu toàn cầu suy yếu. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, giá dầu và giá khí thậm chí sẽ còn lên cao hơn thời kỳ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Thứ hai, một yếu tố khác đang dần nóng, xuất phát từ hệ luỵ của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đó là việc nông dân tại nhiều nước châu Âu đã tổ chức biểu tình phản đối chính sách chống biến đổi khí hậu và việc mở cửa cho hàng nhập khẩu của Ukraine. Làn sóng nông sản giá rẻ từ Ukraine đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Trung và Đông Âu. Khủng hoảng từ các cuộc biểu tình không chỉ làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực mà còn đảo lộn dòng chảy thương mại tại các cảng xuất khẩu. Đây cũng sẽ là yếu tố mà các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cần chú ý để có chiến lược mua hàng sớm, trước khi rủi ro đẩy giá nông sản hồi phục trở lại.

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế sơ bộ mới nhất. Trong đó, báo cáo cũng nhấn mạnh đến các thách thức sẽ đe dọa dòng chảy thương mại toàn cầu. Nếu những xung đột tiếp tục leo thang, giá cả hàng hóa sẽ thiết lập thêm nhiều kỳ biến động mới.

MXV