TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối”

Admin
Tuấn Ngọc Đây! (Phạm Tuấn Ngọc) đã có những chia sẻ thẳng thắn về công việc, cuộc sống và những dự định trong tương lai của mình.

Công nghệ luôn được xem là lĩnh vực khô khan và khó tiếp cận đến đa số người xem, chính vì vậy mà số lượng các nhà sáng tạo nội dung thành công trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón đây. Tuấn Ngọc Đây! (Phạm Tuấn Ngọc) là số ít những nhà sáng tạo nội dung đã thành công trong việc đưa những nội dung công nghệ trở nên đơn giản và dễ tiếp cận với nhiều khán giả hơn.

Ở thời điểm hiện tại, Tuấn Ngọc đang sở hữu cho mình một kênh TikTok với 2,6 triệu người theo dõi, ghi nhận 126,4 triệu lượt yêu thích. Không những vậy, kênh Youtube ReLab của Ngọc cũng ghi nhận được 771 ngàn lượt người đăng ký. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của Ngọc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung công nghệ.

Từ Youtube đến với TikTok

Cơ duyên nào đã đưa Ngọc từ một Youtuber trở thành một reviewer trên nền tảng TikTok?

Năm 2016, mình bắt đầu công việc làm thêm của mình là một nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube. Sau 3 năm làm việc trên nền tảng này, trở thành VJ chính trên kênh YouTube ReLab, mình đã có một lượng khán giả trung thành.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, sáng tạo nội dung không mang đến cho mình nguồn thu nhập ổn định, vào năm 2019, mình quyết định thay đổi công việc của mình bằng việc định cư, học tập và làm việc tại một đất nước khác, tìm kiếm cơ hội với những công việc "truyền thống" hơn. Mình học Nghiên cứu Thị trường ở bậc Cao học, với mong muốn có thể tiếp tục làm việc ở các nhãn hàng công nghệ lớn.

Nhưng chỉ sau khoảng một năm, mình cảm thấy... nhớ nghề, kèm theo diễn biến khó lường của dịch COVID-19, mình quyết định trở về Việt Nam để nghỉ ngơi. Trong thời gian này, mình tạm thời quay trở lại công việc sáng tạo nội dung số và dự kiến sẽ quay trở lại nước ngoài để tiếp tục làm việc. Sau đó, chính TikTok đã thôi thúc mình thay đổi dự định này.

TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối” - Ảnh 1.

Mình có khoảng một tháng làm việc không ngừng nghỉ trên YouTube, kết quả không được như mong đợi vì mình đã vắng mặt khá lâu trong cộng đồng Công nghệ Việt. Sau đó, mình bắt đầu đăng những video đầu tiên trên TikTok theo lời mời gọi của người sếp lúc đó, anh Vinh Vật Vờ. Anh từng chia sẻ, đó là thời điểm tốt nhất để bắt đầu một kênh TikTok, nếu bỏ lỡ thì sẽ rất khó có cơ hội bứt lên. Và đúng là như vậy, mình có những video vài trăm ngàn view, rồi hàng triệu view. Con số này liên tục tăng, những cơ hội mới bắt đầu đến và mình quyết định ở lại Việt Nam để gây dựng sự nghiệp.

Được biết thời gian đầu khi TikTok mới xuất hiện, các nội dung về công nghệ còn khá lộn xộn, vậy đó có phải là những thử thách khi Ngọc bắt đầu làm nội dung công nghệ trên TikTok hay không?

Mình coi đó là cơ hội rất lớn và mình phải cảm ơn những nội dung được cho là "lộn xộn" đó. Ở thời điểm mới đầu làm TikTok, rất nhiều nội dung chia sẻ kiến thức sai đã "ăn đề xuất" và nhiều người xem đã dính bẫy của những video sai kiến thức này. Mình quyết định làm những video phản pháo và kiểm chứng những nội dung đó. May mắn là, những video "sửa sai" của mình đạt nhiều tương tác, và mình dần trở nên uy tín trên nền tảng này.

Đã có thời điểm, mình được coi là "người phán xử" trong giới công nghệ trên TikTok. Cũng phải kể đến rằng, đó là thời điểm ByteDance quyết tâm dọn sạch TikTok Việt Nam, để biến TikTok Việt Nam trở thành một nền tảng chia sẻ lành mạnh và uy tín, nên những video của mình cũng được TikTok đẩy mạnh vào những chiến dịch "thanh lọc" của họ.

TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối” - Ảnh 2.

Cùng với đó, những nhà sáng tạo nội dung khác cũng chung tay với mình để "dọn rác" trên TikTok. Tới thời điểm bây giờ, những nội dung sai lệch đó hầu như đã không còn hiện diện, và mình tự hào là một trong những người đi tiên phong về nội dung này.

Tâm sự chuyện nghề

Tuấn Ngọc có rất nhiều những video công nghệ triệu view, vậy bạn có thể chia sẻ cách làm thế nào để biến những nội dung về công nghệ vốn khô khan trở thành thú vị và hấp dẫn trên TikTok hay không?

Với mình, công nghệ và đời sống gắn bó mật thiết với nhau, và công nghệ sinh ra là để kéo chúng ta lại gần nhau hơn. Bí quyết duy nhất của mình, đó là mang công nghệ vào đời sống, gắn chúng với những câu chuyện thường nhật, để người xem cảm thấy gần gũi hơn, và được chia sẻ hơn. Nó có thể là những mẩu chuyện vui ngắn, hoặc có thể là những sự thật về công nghệ mà không ai nhận ra, hoặc đơn giản chỉ là những vấn đề về công nghệ mà ai cũng mắc phải nhưng không tìm thấy giải pháp. Xa hơn, mình lựa chọn những chủ đề đang nóng trên mạng xã hội, gắn nó với công nghệ, để dễ tiếp cận với người xem hơn.

Theo Tuấn Ngọc, như thế nào được gọi là một reviewer? Và Ngọc nghĩ thế nào khi có những nhận định về việc “reviewer cứ nhận tiền quảng cáo là sẽ không nói đúng về sản phẩm”?

Theo mình, chỉ cần sử dụng một sản phẩm, nói lên cảm nghĩ của mình về sản phẩm đó thì đã được tính là reviewer rồi. Mình không coi mình là một reviewer, vì reviewer là danh xưng rất chung cho những người làm truyền thông. Các phóng viên công nghệ, nhà báo công nghệ, biên tập viên công nghệ, cũng có thể được coi là các reviewer. Mình thấy mình giống một người sáng tạo nội dung có thể chia sẻ về sản phẩm công nghệ hơn. Nghe thì hơi dài, nhưng nó là định nghĩa đúng nhất khi mô tả về công việc của mình, vì bên cạnh review về một sản phẩm công nghệ nào đó, mình cũng phải biên tập, tìm hiểu, nghiên cứu về thị trường, tham gia sản xuất và quay dựng video, set up bối cảnh quay và sử dụng thiết bị quay.

TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối” - Ảnh 3.

Về ý kiến “reviewer cứ nhận tiền quảng cáo là sẽ không nói đúng về sản phẩm”, mình nghĩ nó chỉ đúng trong một vài thời điểm mà thôi. Lấy nền tảng YouTube ra làm ví dụ: Ở thời điểm nền tảng này còn mới, người xem YouTube còn khá... "ngây thơ", khi tiếp xúc với một phương thức truyền thông mới, họ khó có thể phân biệt được đâu là nội dung "được trả tiền để nói tốt", và đâu là nội dung "đánh giá công tâm". Càng về sau, khi đã tiếp xúc đủ nhiều với những nội dung đó, họ trở nên thông minh, nhạy bén và khó tính hơn, có thể ngay lập tức nhận ra đâu là nội dung "được trả tiền để nói tốt". Khi đó, người sáng tạo nội dung muốn sống được với nghề của mình thì không thể làm những nội dung gian dối như vậy được, vì miếng cơm của họ chính là sự tin tưởng của người xem. Công việc của họ là nói sự thật, mà khi họ không còn nói sự thật nữa, thì ai sẽ tin họ đây? Quay trở lại vấn đề, hiện tại, việc "reviewer cứ nhận tiền quảng cáo là sẽ không nói đúng về sản phẩm”, theo mình là còn rất ít trên nền tảng YouTube, vì người xem YouTube đã được "giáo dục" kỹ lưỡng về vấn đề này, vậy nên sẽ không còn quá nhiều reviewer lựa chọn cách này để kiếm tiền nữa.

Với TikTok, câu chuyện cũng sẽ diễn ra tương tự. Người xem TikTok ở Việt Nam, theo mình quan sát, trong những năm tháng đầu tiên cũng ít khi phân biệt được những nội dung nói sai sự thật để kiếm tiền từ các reviewer, nhưng ở thời điểm này, khi họ cũng đã trở nên nhạy bén hơn, có thể phân biệt được ngay nội dung nào có nhận tiền từ nhãn hàng, nội dung nào không, và các TikTok creator cũng khó có được tương tác tốt, thứ sẽ quyết định miếng cơm manh áo của mình, nếu như lựa chọn cách nói dối trắng trợn này.

TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối” - Ảnh 4.

Thực ra thì ai cũng cần thu nhập để duy trì các kênh truyền thông của mình, và hiện tại, có rất nhiều cách để kiếm tiền và cũng có rất nhiều thể loại nội dung có thể kết hợp cùng các nhãn hàng và đại lý để kiếm tiền. Vậy nên, mình mong rằng người xem nếu có lướt qua một video nào có ý nói tốt về sản phẩm nào đó, hoặc đi trái chiều dư luận, thì cũng đừng vội kết luận rằng reviewer đó đang... "ăn tiền".

Những ấn tượng và sự hối tiếc

Là một người được trải nghiệm rất nhiều sản phẩm công nghệ, vậy trong năm 2022 đâu là sản phẩm công nghệ mà Tuấn Ngọc ấn tượng nhất? Tại sao lại như vậy?

Năm 2022 thực sự là một năm ảm đạm của thị trường công nghệ. Các sản phẩm công nghệ như smartphone và laptop không mang đến cho mình nhiều hứng thú. Tuy nhiên, có một sản phẩm khiến cho mình cảm thấy vô cùng yêu thích, đó là chiếc Steam Deck - máy chơi game cầm tay đến từ Valve. Đây là chiếc máy chơi game cầm tay khá mạnh, có thể chơi được hầu hết các tựa game eSport trên nền tảng Windows. Các tựa game AAA cũng có thể chạy được trên chiếc máy này. Mình được bạn gái tặng một chiếc "max option" vào dịp cuối năm 2022, và mình luôn mang nó trên mọi chuyến đi.

Nói về điện thoại, mình thích Xiaomi 13 Pro nhất. Khả năng chụp ảnh của chiếc máy này đã được cải thiện rất tốt khi kết hợp với Leica. Mình đã mang nó theo và chụp rất nhiều hình trong chuyến đi công tác ở châu Âu vừa rồi.

Đâu là sản phẩm công nghệ mà Tuấn Ngọc cảm thấy nuối tiếc nhất? Tại sao lại như vậy?

Mình cảm thấy tiếc cho OnePlus. Từng được coi là "flagship killer" với mức giá rẻ và được trang bị những tính năng cao cấp, họ đã dần không còn là chính mình khi cho ra mắt những dòng sản phẩm thế hệ thứ 8, 9, 10 và chiếc OnePlus 11 của năm vừa rồi cũng vậy. Thực ra chiếc máy này ra mắt vào tháng 1 năm 2023, nhưng ở Việt Nam mình ăn Tết Âm Lịch, nên cứ tạm coi đây là chiếc máy của năm trước.

TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối” - Ảnh 5.

OnePlus 11 không có nhiều yếu tố nổi bật. Màn hình, thiết kế, camera, pin sạc, mức giá đều ở mức tốt, nhưng không có sự đột phá so với những đối thủ cùng tầm giá. Có lẽ, OnePlus, khi đã về với Oppo, chỉ còn là cái bóng của chính mình so với những năm trước mà thôi.

Sự kỳ vọng và kế hoạch cho năm 2023

Tuấn Ngọc có kỳ vọng hoặc mong muốn gì ở các sản phẩm trong năm 2023 này không? Đâu sẽ là xu hướng công nghệ trong năm 2023?

Theo mình, 2023 sẽ tiếp tục là một năm ảm đạm trên thị trường công nghệ. Với tình hình kinh tế chính trị toàn cầu, các hãng sẽ có xu hướng không chi đậm cho những đột phá công nghệ, mà chỉ tiếp tục nâng cấp và phát triển dựa trên những gì đã có. Vì vậy, để gọi tên một xu hướng công nghệ trong năm 2023, thì hơi... quá sức của mình.

TikToker Tuấn Ngọc: “Muốn sống được với nghề thì không thể làm những nội dung gian dối” - Ảnh 6.

Với các dòng sản phẩm từ Samsung, mình mong rằng họ sẽ tiếp tục làm tốt với những sản phẩm điện thoại màn hình gập. Còn với Apple, mình mong rằng họ sẽ có thể xử lý được triệt để các lỗi về màn hình trên những đời iPhone 13 Pro và iPhone 14 Pro, làm tiền đề phát triển cho những dòng iPhone 15 Pro.

Với riêng Tuấn Ngọc, bạn có thể chia sẻ cho độc giả được biết những kế hoạch của bản thân trong năm mới không?

Năm 2023 với mình dự đoán sẽ là một năm khó khăn hơn những năm trước. Thị trường công nghệ nói chung đi xuống thì công việc của mình cũng khó mà có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các kênh truyền thông của mình, mình cũng đã có cho mình những kế hoạch khác để có thể phát triển đa dạng hơn, tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn. Dù vậy, những kế hoạch này chưa thể tiết lộ ngay bây giờ, mong rằng các khán giả của Tuấn Ngọc đây! sẽ ủng hộ và dõi theo dõi mình thường xuyên để có thể cập nhật những kế hoạch và dự án mới nhất của mình và đội ngũ.

Cảm ơn Tuấn Ngọc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Chúc Tuấn Ngọc luôn ngập tràn niềm vui và sức khoẻ để đạt được nhiều hơn nữa những thành công trong năm 2023.