Đây là lần đầu tiên Tòa án Tối cao Mỹ thụ lý hồ sơ vụ kiện liên quan đến mục 230 trong Đạo luật chuẩn mực truyền thông tại Mỹ. Vụ kiện được đánh giá có thể đảo lộn các quy tắc pháp lý của Internet.
Tâm điểm trong cả hai vụ kiện trong tuần này là các nguyên đơn đã cáo buộc Google và Twitter phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của họ khiến các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tuyên truyền các video khủng bố. Tuy nhiên, sau nhiều giờ tranh luận, các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đều thừa nhận các thách thức pháp lý phải đối mặt khi áp dụng luật của 25 năm trước vào thời kỳ bùng nổ Internet hiện nay.
Bà Elena Kagan - Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ: "Các thuật toán là đặc tính cố hữu của Internet, bất kỳ ai truy cập gì trên Internet đều có một thuật toán liên quan, cho dù là công cụ tìm kiếm Google, Youtube hay Twitter. Mọi thứ đều liên quan đến cách sắp xếp và thứ tự tài liệu ưu tiên. Đó cũng là cái liên quan đến Điều 230".
Điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ năm 1996, vốn bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube tránh khỏi kiện cáo, quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet không chịu trách nhiệm về các nội dung người dùng đăng tải.
Thế nhưng, năm 2016, gia đình Gonzalez đã kiện Google phải chịu trách nhiệm vì đã khuyến nghị người dùng xem các video kích động trên Youtube do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tạo ra. Gonzalez là sinh viên người Mỹ 23 tuổi, cô đã bị giết hại năm 2015 tại Paris, Pháp trong một cuộc tấn công khủng bố khiến 130 người thiệt mạng. Một vụ kiện tương tự đối với Twitter cũng diễn ra.
Thông qua các thuật toán phức tạp, các nhà cung cấp dịch vụ Internet dễ dàng đoán được cái người dùng quan tâm. Câu hỏi được các thẩm phán tòa án tối cao Mỹ đang tranh luận hiện nay là liệu các công ty này có phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao nếu các nội dung đăng tải trên nền tảng của họ là sai lệch và nguy hiểm?