Vé bay nội địa cao hơn bay quốc tế, hãng bay nói không thể kéo vé bay bằng vé tàu xe

Admin
Trong một số thời điểm, vé bay nội địa đang cao hơn so với vé bay quốc tế đến các nước lân cận. Điều này khiến nhiều du khách chọn du lịch quốc tế hơn là du lịch nội địa.
Vé bay nội địa cao hơn bay quốc tế, hãng bay nói không thể kéo vé bay bằng vé tàu xe - Ảnh 1.

Khảo sát vé bay trên Skyscanner, giá bay khứ hồi thấp nhất chặng TP HCM - Hà Nội ngày 9-16/11 là hơn 2,6 triệu đồng của Vietjet Air, còn Vietnam Airlines và Vietravel Airlines đều có mức giá trên dưới 3,5 triệu đồng.

Trong khi đó, giá vé khứ hồi cho chặng TP HCM - Bangkok bay cùng ngày có giá thấp nhất chỉ khoảng 2,7 triệu đồng của một hãng bay giá rẻ nổi tiếng. Còn hãng bay trong nước rẻ nhất báo giá hơn 3,4 triệu đồng là Vietjet Air, cao hơn là Vietnam Airlines 3,5 triệu đồng, Vietravel Airlines 6,4 triệu đồng…

Trước đó, trong dịp du lịch hè 2023, đã có tình trạng giá vé khứ hồi một số chặng nội địa của các hãng bay trong nước cao hơn chặng quốc tế do nhiều nguyên nhân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines cho rằng mặc dù thị trường quốc tế mở cửa gần như hoàn toàn nhưng các hãng hàng không nội địa của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như giá nhiên liệu leo thang, tỷ giá liên tục thay đổi, điểm nghẽn hạ tầng, tín dụng và các xung đột địa chính trị.

Lãnh đạo Vietravel Airlines nhấn mạnh các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí. Chính vì vậy, bên cạnh việc các hãng hàng không mở bán theo đúng quy định về giá trần thì cũng nên cân nhắc đưa vào áp dụng giá sàn dựa trên mô hình hoạt động của từng hãng hàng không để tạo môi trường cạnh tranh bền vững và các quyền lợi của khách hàng vẫn đảm bảo được đặt lên hàng đầu.

Vé bay nội địa cao hơn bay quốc tế, hãng bay nói không thể kéo vé bay bằng vé tàu xe - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines.

Ông Vũ Đức Biên cho rằng “việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu, đi xe là điều không tưởng. Cũng giống như đi du lịch ở khách sạn 5 sao hay khách sạn bình thường, nên có các mức phí khác nhau phù hợp với túi tiền từng khách hàng để doanh nghiệp có thể tồn tại được”.

Theo đó, khác với các lĩnh vực khác, ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay (parking chargers); giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi… tại các cảng hàng không sân bay chiếm khoảng 65 – 80%. Phần định phí chiếm 20 – 35% và tùy theo mỗi hãn, vì vậy để tối ưu chi phí thì khả năng cắt giảm hoặc hiệu quả từ chi phí cũng không thay đổi được quá nhiều.

Ông đánh giá các hãng vận tải hàng không là lõi trung tâm của ngành hàng không nhưng đang dễ bị tổn thương và thiếu ổn định, trong khi phần các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái như cảng hàng không, cửa hàng, dịch vụ suất ăn, dịch vụ phục vụ mặt đất... là phục vụ cho các hãng thì hiệu quả hoạt động khá tốt do các chính sách cơ chế đặc thù. Lãnh đạo hãng bay này cho rằng cần một giải pháp đến từ cấp chính phủ trong việc điều tiết ngành hàng không mà trong đó việc tổ chức diễn đàn chuyên đề để cùng nhau đóng góp các ý kiến nhằm tăng hiệu quả cạnh tranh và tính bền vững của lõi ngành vận tải hàng không chính là các hãng vận chuyển.

Vietravel Airlines vẫn chưa có lãi

Lãnh đạo hãng hàng không non trẻ chia sẻ trong tháng 9 vừa qua doanh nghiệp đã chính thức nhận được CCAR-129 từ phía Trung Quốc. CCAR-129 là quy định đảm bảo các nhà khai thác thường xuyên đến Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về vận hành và an toàn do Cục hàng không Dân dụng Trung Quốc đánh giá. Hiện chỉ có 36 hãng hàng không trên thế giới sở hữu CCAR-129.

Đến nay, trong cơ cấu khách của Vietravel Airlines chỉ có 30% chỗ cho khách du lịch (khách theo tour) và 70% khách thương mại. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã tăng 48% số chuyến bay và 43% hành khách so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến bay lên đến 80-85%. “Đây là những tiền đề quan trọng để doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong lĩnh vực hàng không”, Ông Biên chia sẻ. Xét về hiệu quả, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa có lãi, song có tín hiệu tích cực là giảm dần chi phí lỗ so với giai đoạn trước đây.

Trong kế hoạch phát triển, tùy tiềm lực tài chính và sự phục hồi của thị trường, đến 2025 - 2026, Vietravel Airlines đặt mục tiêu tăng thêm số lượng tàu bay đến 20 tàu bay và nghĩ đến việc cân bằng thu chi, có lãi.