Vì sao “khai tử” dự án nhà máy xi măng An Phú 3.000 tỷ đồng?

Admin
Bộ Xây dựng cho biết, sau gần 20 năm triển khai, đến nay dự án nhà máy xi măng An Phú tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng vẫn dừng lại trên giấy tờ. Do đó Hà Nội đã dừng triển khai dự án này.
Vì sao “khai tử” dự án nhà máy xi măng An Phú 3.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Dự án nhà máy xi măng An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng đã bị "khai tử". (Ảnh minh hoạ: Int)

Cử tri Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát, đưa nhà máy xi măng An Phú trên địa bàn huyện Mỹ Đức ra khỏi danh sách đầu tư, chuyển đổi mục đích đầu tư hoặc triển khai các dự án khác theo quy hoạch, tránh lãng phí đất.

Theo Bộ Xây dựng, trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, việc đầu tư các dự án xi măng thực hiện theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 1488). Trong phụ lục I kèm theo quy hoạch, trên địa bàn huyện Mỹ Đức ghi nhận dự án nhà máy xi măng công suất thiết kế 1,6 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, thực hiện Luật Quy hoạch, tại Nghị quyết số 63 của Chính phủ ngày 26/8/2019, ban hành danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, trong phụ lục kèm theo đã bãi bỏ Quy hoạch 1488. Như vậy, Quy hoạch 1488 không còn hiệu lực, đồng nghĩa với việc triển khai dự án nhà máy xi măng An Phú không thể thực hiện được.

Trước đó, ngày 10/12/2005, dự án nhà máy xi măng An Phú hay còn được gọi là nhà máy xi măng Mỹ Đức được chấp thuận đầu tư trên quy mô 38,5ha, công suất 4.000 tấn clinker/ngày do Công ty CP xi măng Mỹ Đức trực tiếp quản lý.

Tổng mức đầu tư của dự án này gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Công ty CP xi măng Mỹ Đức 360 tỷ đồng và vốn vay của các ngân hàng trong và ngoài nước. Dự kiến, sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào năm 2006. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, đến nay dự án nhà máy xi măng An Phú vẫn dừng lại trên giấy tờ.

Bên cạnh nhà máy xi măng An Phú, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các dự án đầu tư nhà máy xi măng và tăng cường kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng tại địa bàn thành phố Hà Nội.

Về thực trạng sản xuất xi măng trên cả nước, theo số liệu của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%, tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện tổng công suất toàn ngành lên đến 130 triệu tấn/năm. Ước tính cả năm nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt 65 triệu tấn. So với tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.

Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu là cách giải quyết tình thế, doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết nguồn xi măng dư thừa. Nhưng 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cũng khó khăn. Xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.