Vì sao lập trình viên ở Trung Quốc áp lực và sợ ngưỡng tuổi 35 hơn lập trình viên ở Mỹ?

Admin
Ở Mỹ, lập trình viên không được coi là nghề “áp lực cao” - Joey, 31 tuổi, là người Trung Quốc, đang làm lập trình viên tại Google cho biết.
Vì sao lập trình viên ở Trung Quốc áp lực và sợ ngưỡng tuổi 35 hơn lập trình viên ở Mỹ?- Ảnh 1.

Trong ngành công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực phát triển phần mềm, nhiều người nói rằng, lập trình viên có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp rất cao khi bước vào độ tuổi khoảng 30-35. Đặc biệt, tình trạng này phổ biến hơn cả ở Trung Quốc.

30 tuổi có thực sự là cột mốc mà lập trình viên không thể vượt qua? Các lập trình viên tại Trung Quốc, những người từng khát khao sử dụng công nghệ để thay đổi thế giới, đang nhìn nhận kế hoạch nghề nghiệp và giá trị cuộc sống của mình như thế nào?

Zhihu, nền tảng hỏi đáp trực tuyến lớn của Trung Quốc, đã phỏng vấn các lập trình viên trung niên để lắng nghe câu chuyện và cuộc sống của họ.

Joey, 31 tuổi, là người Trung Quốc, đang làm lập trình viên tại Google, Mỹ. Theo góc nhìn của anh, ở Thung lũng Silicon, không có công ty nào đặt ra giới hạn độ tuổi khi đăng tin tuyển dụng. 

Lấy Google làm ví dụ, nhân sự ở đây trải dài từ sinh viên mới tốt nghiệp ở độ tuổi 20 đến những người đã có bằng tiến sĩ ở độ tuổi 40. Nhưng khi tuyển dụng, nếu người tìm việc lớn tuổi hơn thì kỳ vọng của doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn. 

Ở Mỹ, lập trình viên không được coi là nghề “áp lực cao”. Thời gian linh hoạt và hiệu quả là quan trọng, không cần phải bấm giờ, miễn là công việc được hoàn thành đúng thời hạn. 

"Tôi thường làm việc từ 9:30 sáng đến 6:30 chiều và dành những ngày cuối tuần cho gia đình hoặc leo núi. Đôi khi tôi chủ động làm thêm vài giờ vì muốn hoàn thành công việc trước mắt càng nhanh càng tốt. Trong gần 3 năm làm việc tại Google, tôi chỉ có một lần duy nhất phải làm thêm giờ đến 12 giờ đêm. So với những người làm việc kiểu 996 và anh em trong nước thì tôi thực sự hơi “xấu hổ”" - Joey nói.

Theo Joey, bình thường, các kỹ sư sẽ quản lý một nhóm sau khi làm việc 7-8 năm. Tất nhiên, cũng có một số người thích làm chuyên môn thuần túy, cũng không có vấn đề gì và họ sẽ vẫn được người khác tôn trọng. Nói chung, cuộc khủng hoảng tuổi tác và không khí cạnh tranh ở Mỹ không gay gắt như ở Trung Quốc.

Một mặt, mặc dù Google cũng như các công ty lớn khác sẽ chia nhỏ dự án thành từng phần và mỗi người chịu trách nhiệm một phần nhưng văn hóa của Google tương đối tự do, ông chủ sẽ không chỉ bảo nhân viên cách làm mọi thứ một cách chi tiết mà sẽ đưa ra yêu cầu. Bạn có không gian để thực hiện mọi nỗ lực sáng tạo cá nhân. 

Tính linh hoạt cũng được khuyến khích trong công ty. Mọi người thường xuyên thay đổi nhóm và thử các hướng và sản phẩm khác nhau. Trong quá trình đó, họ có thể tiếp xúc với những điều mới và sẽ không cảm thấy mình đang dần già đi trong một công việc lặp đi lặp lại một cách máy móc. Điều này có thể khác với các công ty Trung Quốc.

"Đó là lý do tại sao tôi nghĩ 996 không phải là một cơ chế tốt. Thời gian của một người hoàn toàn bị lấp đầy bởi công việc. Nếu bạn vẫn làm những công việc lặp đi lặp lại, bạn sẽ khó có thời gian để cải thiện bản thân và về lâu dài bạn sẽ dễ dàng bị đào thải" - Joey nhấn mạnh. "Tôi cũng có những lo lắng, nhưng không phải vấn đề tuổi tác mà là tốc độ phát triển. Hầu hết mọi người ở Thung lũng Silicon đều cố gắng học hỏi những điều mới. Tôi có nền tảng toán học, nếu tôi không thể tối đa hóa giá trị của mình trong nhóm hiện tại, tôi sẽ cân nhắc việc thay đổi môi trường. Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng tôi cần tập trung vào sự phát triển lâu dài hơn để giá trị bản thân của tôi tiếp tục tăng lên".