65% hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 (4.062 tỷ đồng). Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động an toàn thông tin mạng đạt 322,3 tỷ đồng, tăng 38,68% so với năm 2022.
Tổng số lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đến nay là 3.866 người, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số doanh nghiệp được cấp phép đến nay là 109 doanh nghiệp (3 tập đoàn nhà nước, 69 công ty cổ phần và 34 công ty TNHH).
Trong đó, 74 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu sản phẩm; 30 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất sản phẩm và 80 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ.
Tổng số hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 3.192 hệ thống. Trong đó, 2.074 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đạt 65%.
Đáng chú ý, ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.846 cuộc tấn công mạng. Trong đó có: 11.511 cuộc Phishing, 451 cuộc Deface, 884 cuộc Malware, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 456.699 địa chỉ, giảm 4,7% so với năm 2022. Đồng thời, đã xử lý 3.478 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. 2,1 tỷ lượt xem video tái hiện và cảnh báo các hành vi lừa đảo trực tuyến trên các kênh mạng xã hội.
17 bộ, ngành, địa phương được hỗ trợ rà soát, triển khai các biện pháp an toàn, an ninh mạng. 4.500 lượt cán bộ chuyên trách an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp được tham gia diễn tập thực chiến. Ngoài ra, 3.260.000 số lượng chữ ký số đang hoạt động.
Duy trì thứ hạng về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm an toàn thông tin năm 2023 (652/BTTTT-CATTT). Hướng dẫn cụ thể mục tiêu, giải pháp, hỗ trợ từ Bộ đối với 7 nhiệm vụ: Triển khai chiến lược an toàn, an ninh mạng; bảo đảm cấp độ; mô hình 4 lớp; kiểm tra tuân thủ quy định của pháp luật; diễn tập thực chiến; tuyên truyền; bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.
Đồng thời, thiết lập 3 Nền tảng quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, giám sát, đo lường hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng, gồm: Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; nền tảng hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố; nền tảng hỗ trợ điều tra số.
Cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia với gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng, các ứng dụng được sử dụng rộng rãi (Zalo, CocCoc…) để bảo vệ người dân không truy cập vào các website độc hại, lừa đảo, mã độc, tấn công mạng.
Cùng với hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia, đến nay đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo. Bảo vệ hơn 10,1 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trên không gian mạng.
Đặc biệt, 4.770 website đã được đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng; trong đó, có 3.823 website của cơ quan nhà nước (553 website bộ/ngành, 3.270 website các tỉnh).
Hỗ trợ tích hợp thành công tính năng ký số từ xa vào các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tính đến tháng 11/2023, 56/63 địa phương ký số thành công với 6 nhà cung cấp dịch vụ, 16/63 địa phương đã hoàn thành tích hợp với ít nhất 1 nhà cung cấp dịch vụ, 7/63 địa phương đang trong quá trình tích hợp, 2/22 Bộ ngành đã tích hợp thành công.
Ngoài ra, chương trình cấp chứng thư số miễn phí theo mô hình ký số từ xa (Remote Signing) cho người dân, tính đến hết năm 2023, 18 tỉnh triển khai với 260.500 chứng thư số đã được cấp phát.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kế hoạch năm 2024 trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đó là duy trì thứ hạng của Việt Nam trên thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đạt top 30. Tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 20%. Tốc độ tăng trưởng chứng thư số công cộng đạt 7-10%.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 đó là, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Xây dựng và ban hành Thông tư quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng: Nền tảng kết nối Internet an toàn (SafeNet); nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến; nền tảng đánh giá mức độ trưởng thành đội ứng cứu sự cố; nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin.
Xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến về an toàn thông tin cơ bản cho cơ quan nhà nước về an toàn thông tin; chương trình đào tạo trực tuyến về an toàn thông tin cơ bản cho người dân; đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương.
Mặt khác, tổ chức đánh giá mức độ trưởng thành của đội ứng cứu sự cố; tổ chức đánh giá sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao; tổ chức Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng 2024; tổ chức diễn tập thực chiến quốc gia về an toàn thông tin; tiếp tục thúc đẩy ứng dụng chữ ký số cá nhân, mở rộng môi trường ký số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số...
Định hướng đến năm 2025, Việt Nam trở thành cường quốc an toàn thông tin mạng với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, tạo niềm tin số, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng nền công nghiệp an toàn thông tin mạng hùng mạnh.
Việt Nam xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt tối thiểu 20%.