Đà tăng chung của thị trường chủ yếu có được là nhờ 4/5 mặt hàng năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, sự suy yếu trên nhóm kim loại và nông sản đã khiến chỉ số giá hàng hoá MXV-Index tăng nhẹ so với tham chiếu ngày trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, thị trường năng lượng ghi nhận 4/5 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 5% trong bối cảnh sản lượng trung bình ở 48 bang của Mỹ ngày hôm qua giảm 2,9 tỷ feet khối, xuống mức thấp trong 12 tuần là 99,8 tỷ feet khối. Mặc dù đó chỉ là dữ liệu sơ bộ và có thể thay đổi, nhưng ước tính là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Một diễn biến đáng quan tâm khác, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 10 tháng qua sau loạt báo cáo mới đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trong đó ước tính thị trường dầu tiếp tục thâm hụt trong nửa cuối năm nay. Giá dầu WTI tăng 1,78% lên 88,84 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên trên mốc 92 USD/thùng, sau khi tăng 1,57%.
Tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 được OPEC giữ nguyên trong báo cáo tháng 9, dự báo nhu cầu đạt mức trung bình 102,06 triệu thùng/ngày. OPEC vẫn kỳ vọng với dữ liệu vĩ mô tích cực gần đây, các nước không thuộc OECD bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ cùng với Mỹ sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
Tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong 3 quý đầu năm 2023 tăng nhẹ từ 80.000 đến 90.000 thùng/ngày mỗi quý, trong khi nhu cầu quý cuối năm được điều chỉnh giảm 40.000 thùng/ngày.
Sản lượng của nhóm trong tháng 8 tăng 113.000 thùng/ngày so với tháng 7, thấp hơn một nửa so với các cuộc khảo sát đến từ Reuters, Bloomberg cũng như S&P Global. Điều này phản ánh sự gia tăng sản lượng từ một số quốc gia trong nhóm chưa bù đắp được thiếu hụt từ sự cắt giảm mạnh mẽ của Saudi Arabia. Sản lượng của quốc gia này tiếp tục duy trì gần mức 9 triệu thùng/ngày.
Quan điểm của OPEC vẫn cho thấy thị trường sẽ ở trạng thái thâm hụt trong 2 quý cuối năm với mức ước tính gần 1,78 triệu thùng/ngày trong quý III, 3 triệu thùng/ngày trong quý IV. Cùng quan điểm với OPEC, EIA trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 9 cho biết thị trường sẽ thâm hụt khoảng 580.000 thùng dầu/ngày trong quý III và 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí độc lập (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 1,2 triệu thùng, trái với mức giảm 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/9. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng mạnh 4,2 triệu và 2,6 triệu thùng. Theo MXV, điều này có thể gây áp lực trong ngắn hạn cho giá dầu trước khi lấy lại động lực tăng.
Đóng cửa ngày giao dịch 12/9, sắc đỏ trở lại và chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, mặt hàng đường là điểm sáng khi tiếp tục đón nhận lực mua tích cực.
Giá 2 mặt hàng đường ghi nhận mức tăng lần lượt 1,63% với đường 11 và 1,81% với đường trắng trong phiên hôm qua. Với mức tăng trên, giá đường đang duy trì ở vùng giá cao trong vòng 12 năm. Thị trường tiếp tục dồn mối lo về sản lượng thấp tại khu vực châu Á.
Giá bông cũng ghi nhận mức tăng 0,59% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức 88,30 cents/pound. Cung – cầu bông toàn cầu niên vụ 2023/24 thâm hụt cùng việc cắt giảm tồn kho cuối kỳ đã làm tăng giá.
Ở chiều ngược lại, giá 2 mặt hàng cà phê đều suy yếu với mức giảm lần lượt 0,56% của Arabica và 0,37% của Robusta. Đồng USD tăng trở lại cùng tín hiệu tích cực về tồn kho cà phê trên Sở ICE đã gây áp lực lên giá.