Một mặt hàng Việt Nam nhập khẩu cực nhiều, liên tục tăng giá dù đang trong giai đoạn thấp điểm

Admin
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu mặt hàng này ước tính lên đến 2,47 triệu tấn với trị giá hơn 832 triệu USD.

Phân bón cũng là một mặt hàng nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,47 triệu tấn phân bón với trị giá hơn 832 triệu USD, tăng 12,8% về lượng nhưng giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân tháng 8 đạt 336 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 7/2023, nhưng giảm 26% so với tháng 8/2022. Bình quân 8 tháng đầu năm, giá phân bón nhập khẩu ước đạt 347 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu phân bón cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với hơn 1,22 triệu tấn, đạt hơn 374 triệu USD. Xếp thứ 2 trong số các thị trường là Nga với 186.212 tấn phân bón.

Thị trường lớn thứ 3 cung cấp phân bón cho Việt Nam là Lào, đạt 45.146 tấn với trị giá hơn 13,1 triệu USD, tăng gấp 10 lần về sản lượng và tăng 333% về trị giá so với tháng 8/2022. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón từ Lào đạt 185.793 tấn với trị giá hơn 65 triệu USD, tăng 110% về lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn cung phân bón trên toàn thế giới có thể bị gián đoạn trong thời gian tới do Chính phủ Trung Quốc vào đầu tháng 9 vừa qua đã yêu cầu các nhà sản xuất phân Ure lớn ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.

Nga mới đây cũng đã công bố kế hoạch áp đặt hạn ngạch xuất khẩu mới có thời hạn 6 tháng, bắt đầu tư tháng 12 tới đây với lượng phân đạm xuất khẩu ở mức 5,9 triệu tấn. Bên cạnh đó, trận động đất ở Morocco vào ngày 8/9/2023 đã gây tác động lên nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn do nước này sở hữu 70% sản lượng đá phốt pho của thế giới dùng để sản xuất phân bón và phân lân.

Giá phân bón chưa thể hạ nhiệt bởi căng thẳng Nga – Ukraine sẽ tạo sức ép lên nguồn cung lương thực trên thế giới, nhu cầu canh tác và trồng trọt gia tăng để lấp đầy các kho dự trữ. Khu vực Châu Mỹ cũng đang bước vào mùa gieo trồng và Ấn Độ cũng đang gia tăng sản lượng canh tác lương thực để bù đắp cho sự thiếu hụt trong nước. Ngoài ra, giá Ure cũng được dự báo sẽ biến động cùng xu hướng của giá than và giá khí đốt tự nhiên.

Một mặt hàng Việt Nam nhập khẩu cực nhiều, liên tục tăng giá dù đang trong giai đoạn thấp điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa

Hiện nay, tổng nhu cầu phân bón các loại mỗi năm của Việt Nam khoảng 11 – 12 triệu tấn, trong đó năng lực sản xuất đang thiếu khoảng 4 triệu tấn nhưng lại có sự khác nhau giữa các chủng loại.

Phân bón SA và Kali do trong nước nguồn cung không thể đáp ứng nên phải nhập hoàn toàn. Đối với các loại khác như DAP và MAP, nguồn cung trong nước mới đáp ứng được 86% sản lượng tiêu thụ trong nước, còn lại là phụ thuộc vào kênh nhập khẩu. Sản lượng Phân lân và NPK sản xuất trong nước hiện tại đã đủ phục vụ nhu cầu trồng trọt trong nước.

Riêng đối với phân bón Ure, tổng sản lượng từ các nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ đã đạt 2,6 triệu tấn, vượt mức tiêu thụ bình quân 2,2 triệu tấn. Do đó, việc giá các loại phân bón tăng theo xu hướng trên thế giới sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu trong nước bởi nguồn cung và nhu cầu từng loại có sự khác biệt.

Trước biến động của giá phân bón trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục tăng giá bán, mặc dù trong nước hiện tại đang trong giai đoạn thấp điểm tiêu thụ. Giá phân bón Ure hiện tại đã tăng lần lượt khoảng 10% và 25% so với thời điểm cuối tháng 8 và tháng 7, các loại phân bón khác như Kali, NPK, DAP, SA,… đều chứng kiến mức tăng hơn 20% so với cuối tháng 6.

Giá Ure nội địa có thể vẫn giữ mức nền cao do quý 4 là thời điểm bắt đầu bước vào cao điểm mùa vụ Đông – Xuân, đồng thời cũng là thời điểm tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Bên cạnh đó, việc giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích canh tác (lúa gạo vốn chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo trồng tại Việt Nam), kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu phân bón cũng tăng cao.